Ô nhiễm môi trường - mặt trái của các KCN

Thứ Hai, 15/10/2018, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Các KCN giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, mặt trái là tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà tỉnh đã kiên trì theo đuổi.

Bài 1:  Phía sau “màn sương mù” ô nhiễm

Tháng 8-2018, 1 trong 3 quạt hút bụi túi với công suất 1.500KW của Nhà máy thép Pomina 3 gặp sự cố, dẫn đến khí thải tràn ra môi trường, làm người dân lân cận sống trong bụi khói ô nhiễm. Đến bây giờ, khói bụi vẫn bao phủ như sương mù. Và chúng tôi tạm sử dụng hình ảnh “màn sương mù” ở Pomina 3 làm đề dẫn cho những câu chuyện liên quan đến bảo vệ môi trường đối với 11 KCN đang hoạt động trong tỉnh. Ở đó - phía sau màn sương mù, không chỉ có các sự cố, còn có sự thờ ơ của một số doanh nghiệp, sự khó khăn trong quản lý của cơ quan chức năng và sự khổ sở mà người dân đang phải gánh chịu.

SỐNG CHUNG VỚI Ô NHIỄM

Khói bụi bay mù mịt như sương mù tại Nhà máy thép Pomina 3. Ảnh: TRÚC GIANG 
Khói bụi bay mù mịt như sương mù tại Nhà máy thép Pomina 3. Ảnh: TRÚC GIANG 

Đã gần 2 tháng qua kể từ ngày xảy ra sự cố 1 trong 3 quạt hút (công suất 1.500kw/quạt) của Nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) bị hư hỏng trong quá trình vận hành làm cho khí thải chưa qua xử lý tràn ra môi trường. Khu vực gần đường số 9 nơi đặt “đại bản doanh” của nhà máy thép Pomina 3, khói bụi bay mù mịt. “Khói bụi của nhà máy thép vẫn bao phủ, nhìn xa cứ tưởng sương mù. Đã nhiều năm qua, chúng tôi phải hít thở không khí có bụi thép này rồi chứ không phải chỉ lần xảy ra sự cố vừa qua”, anh Đoàn Văn Lâm (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) cho biết.

Tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của các nhà máy thép đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống gần KCN Phú Mỹ 1. Trong đó, nghiêm trọng nhất là Khu phố Ngọc Hà (TX. Phú Mỹ).

Tương tự như Nhà máy thép Pomina 3, Nhà máy thép Pomina 2 cách đó không xa (cả 2 nhà máy đều của Công ty CP thép Pomina) - cũng bị người dân phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm. Ngôi nhà của ông Nguyễn Quang Chỉnh (Khu phố Ngọc Hà) cách Nhà máy thép Pomina 2 khoảng 120m. Căn nhà nằm trong khuôn viên rộng 500m2 của ông Chỉnh hàng ngày phải đóng cửa vì sợ khói, bụi. Ông Chỉnh nói, gia đình ông sống ở khu phố Ngọc Hà từ năm 1995. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, không khí của khu vực này thường xuyên bị ô nhiễm bởi khói, bụi và tiếng ồn từ Nhà máy thép Pomina 2. Ông Chỉnh nói: “Ở đây, dân chúng tôi ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh nhà máy xả khói đen nghi ngút, bụi bám đầy nhà. Có những hôm có mùi khét lẹt như mùi chập cháy điện”.

Việc gây ô nhiễm của 2 nhà máy thép thuộc Công ty CP thép Pomina không chỉ được người dân phản ánh, nó đã được thể hiện rõ trong kết luận thanh tra của Sở TN-MT ngày 5-10. Bản kết luận thanh tra này nêu rõ, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, việc vệ sinh công nghiệp của nhà máy thép Pomina 3 chưa sạch sẽ, xưởng sản xuất chính và nơi đặt lò luyện hồ quang chưa che chắn kín nên khí thải phát tán ra ngoài qua các khe hở. Qua theo dõi, trinh sát Cảnh sát môi trường tỉnh ghi nhận hiện tượng phát thải khí thải không được thu gom để xử lý ra bên ngoài môi trường với tần suất khoảng 45-60 phút/lần. Ngoài ra, trước đó tháng 6-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt Công ty CP thép Pomina 4,8 tỷ đồng. Lý do là vì từ năm 2016 đến tháng 3-2018, Công ty này đã 17 lần nhập khẩu phế liệu có chứa tạp chất đi kèm với phế liệu vượt quá tỷ lệ cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu có tạp chất là chất thải khác với tổng khối lượng vượt dưới 1.000kg.

Công tác nhập liệu của Công ty TNHH MTV Thép miền Nam làm phát tán bụi  ra khu vực xung quanh. Ảnh: QUANG VŨ 
Công tác nhập liệu của Công ty TNHH MTV Thép miền Nam làm phát tán bụi ra khu vực xung quanh. Ảnh: QUANG VŨ 

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ), hiện trên địa bàn phường có KCN Phú Mỹ 1 là KCN tập trung các dự án công nghiệp nặng như: Luyện thép, sản xuất tôn, đạm... Do lịch sử hình thành khu dân cư hình thành trước khi có KCN nên vẫn còn khoảng 400 hộ dân ở khu phố Quảng Phú, Vạn Hạnh, Ngọc Hà, Tân Phú và Tân Ngọc chịu ảnh hưởng của các nhà máy chủ yếu là nhà máy luyện thép, sản xuất tôn. Thống kê cho thấy, toàn phường Phú Mỹ có có 377 hộ dân nằm gần KCN và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải của các nhà máy phải di dời để giải tỏa 21,2ha xây dựng hành lang kỹ thuật cây xanh cách ly. Đến nay đã có 367 hộ được giải tỏa, bố trí tái định cư. Các hộ còn lại chờ kiểm kê, phê duyệt kinh phí bồi thường.

DN THỜ Ơ

Hàng năm, Ban Quản lý các KCN và Sở TN-MT cùng các sở, ngành, địa phương có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động BVMT của các DN trong các KCN. Kết quả kiểm tra, còn nhiều DN vi phạm các quy định về BVMT. Phổ biến nhất là đối với các DN có sử dụng củi, trấu làm nhiên liệu đốt hoặc sản xuất ngành nghề luyện thép, sản xuất tôn hoặc các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt, nhuộm.

Bãi chứa phế liệu của Nhà máy thép Pomina 2 (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ). Ảnh: QUANG VŨ
Bãi chứa phế liệu của Nhà máy thép Pomina 2 (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ). Ảnh: QUANG VŨ

Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A 2, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ)  đi vào hoạt động từ năm 2009 với lĩnh vực hoạt động là vải dệt may, dệt kim, dệt sợi với công suất 6.000 tấn/năm. Công ty đã đầu tư 2 hệ thống nước thải theo công nghệ sinh hóa lý với công suất xử lý 3.000m3/ngày đêm và 6.000m3/ngày đêm. Nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT cột A trước khi thải ra rạch Tắc Chủng. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Quốc hội vào ngày 13-9 vừa qua, đoàn phát hiện công ty này hoạt động từ năm 2009 nhưng đến năm 2011 mới có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Hiện tại, công ty vẫn chưa xây dựng có hồ xử lý sự cố.

Công ty TNHH MTV Thép miền Nam (VN-Steel) nằm trong KCN Phú Mỹ 1 được đánh giá là DN thực hiện tốt công tác BVMT đi đầu trong ngành thép nhưng qua kiểm tra thực tế thì phát hiện một số khu vực, nước mưa chảy qua bãi phế liệu và tràn ra sông Thị Vải. Bụi thép từ quá trình nhập phế liệu của nhà máy vẫn phát tán ra ngoài chưa được xử lý triệt để. Nhà máy không có hệ thống cảnh báo nguy hiểm trong khu vực sản xuất, không có biện pháp che chắn bãi phế liệu nhằm giảm thiểu tình trạng bụi phát sinh, tỷ lệ cây xanh trong nhà máy quá ít khiến môi trường làm việc của người lao động chưa được bảo đảm.

Không chỉ các dự án đầu tư thứ cấp, việc chấp hành các quy định về BVMT cũng chưa được các đơn vị đầu tư hạ tầng KCN thực hiện nghiêm. Công ty TNHH phát triển Quốc tế Formosa (FIDC), chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Xuân A2 cho biết, KCN Mỹ Xuân A2 có diện tích 422,22ha, hiện có 27 nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất cơ khí, mũ bảo hiểm, linh kiện điện tử, may mặc, thuộc da, cán thép... với tỷ lệ lấp đầy đạt 93,39%. KCN Mỹ Xuân A2 đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 15.000m3/ngày đêm và xây dựng trạm quan trắc tự động, truyền thông số về Trung tâm quan trắc tự động của tỉnh. Tuy nhiên, khu vực xử lý nước thải của công ty này có hóa chất xử lý để lẫn lộn với các loại chất thải khác, bùn thải chưa được bảo quản và xử lý đúng quy định.

QUANG VŨ

Hiện 11 KCN đã hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung với lượng nước thải trung bình khoảng 42.000m3/ngày đêm. Có 10/11 KCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động trong đó có 6/11 KCN đã truyền số liệu về trung tâm quản lý dự liệu của tỉnh để theo dõi, quản lý; 5 KCN còn lại đang đầu tư thiết bị để truyền dữ liệu. Riêng KCN Phú Mỹ 3 chưa có nước thải để vận hành hệ thống xử lý nên chưa được đầu tư. Đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, thống kê của Sở TN-MT và Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có 24 dự án đang hoạt động thuộc 4 lĩnh vực trong đó có 4 dự án sản xuất hóa chất, 2 dự án sản xuất giấy, 1 dự án dệt nhuộm và 17 dự án sản xuất thép đang hoạt động.

 

;
.