Ô nhiễm môi trường - mặt trái của các KCN - Bài 2: Không tiếp cận sâu, khó kiểm soát chặt

Thứ Ba, 16/10/2018, 17:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong quá trình hoạt động, tình trạng DN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các KCN đã trở nên phổ biến, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sự phát triển bền vững, sức khỏe của người dân. Trong khi đó, việc xử lý các DN vi phạm vẫn còn nhiều bất cập.

NGUY CƠ Ô NHIỄM CAO

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các KCN cho biết, qua giám sát hoạt động của các DN trong KCN, cũng như thông qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư phản ánh của người dân thì tình trạng ô nhiễm tại một số KCN và đặc biệt là ô nhiễm do phát sinh khí thải CO2, SO2, NO2 tại các KCN có các loại hình sản xuất thép, hải sản, gạch ngói hoặc tại các nhà máy sử dụng chất đốt là than cám và biomass. Trong đó, nhiều DN nằm sát khu dân cư và chưa có hành lang cách ly, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Vật liệu của Nhà máy thép miền Nam chất đống, không có mái che, trời mưa nước chảy qua bãi nhập liệu tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Vật liệu của Nhà máy thép miền Nam chất đống, không có mái che, trời mưa nước chảy qua bãi nhập liệu tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Tại đợt giám sát về tình hình xử lý ô nhiễm môi trường trong các KCN vào cuối tháng 9-2018, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội nhận định, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc các loại hình sản xuất hóa chất, giấy, dệt nhuộm, thép… thì tất cả đều có tại các KCN trên địa bàn tỉnh BR-VT. Trong đó sản xuất hóa chất có 4 dự án, 1 dự án sản xuất giấy, 2 dự án dệt nhuộm, 22 dự án sản xuất, luyện phôi thép. Do đó, nhiều KCN được các cơ quan chức năng xếp vào “điểm nóng” về ô nhiễm như KCN Phú Mỹ I, Phú Mỹ II, Mỹ Xuân A. Mặc dù tỉnh BR-VT đã chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành các quy định về BVMT khá đầy đủ; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở hoạt động trong KCN để có thể xử lý kịp thời, tuy nhiên vẫn còn nhiều DN trong các KCN vi phạm trong công tác BVMT như: xử lý chất thải nguy hại chưa đúng quy trình, hoạt động khi chưa được cấp phép đánh giá tác động môi trường. 

Ông Trần Quốc Bảo, Trưởng Phòng Ứng phó sự cố và giám sát môi trường của Cục Môi trường phía Nam (Bộ TN-MT) chỉ ra một số bất cập. Cụ thể là, qua kiểm tra giám sát cho thấy hiện KCN Phú Mỹ 1 không có khu vực cách ly an toàn với khu dân cư nhưng lại tập trung quá nhiều các nhà máy luyện thép, cán thép. Hiện KCN Phú Mỹ 1 chưa có hướng dẫn xây dựng và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với loại hình dự án thứ cấp có nguy cơ ô nhiễm cao. Ngoài ra, một số KCN mới đi vào hoạt động chưa đầu tư hoàn thiện hạ tầng thu gom, thoát nước mưa, nước thải như: KCN Cái Mép, Mỹ Xuân B1 - Đại Dương. 

VIỆC GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA DN NHIỀU BẤT CẬP

Được biết, từ năm 2015 đến tháng 6-2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo điều hành công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp thực hiện Luật BVMT năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường trong các KCN vẫn là thách thức lớn đối với định hướng phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, công tác quản lý BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong KCN hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bất cập lớn nhất là hầu hết các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh do Bộ TN-MT thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong khi, hàng năm Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường chỉ thanh tra một vài lần đối với các hoạt động của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Phía BR-VT là đơn vị phối hợp nên các cơ quan chức năng ở địa phương chưa phát huy được hết vai trò của mình trong giám sát hoạt động tại các KCN. Hơn nữa, hiện nay, công tác BVMT chủ yếu đang chú trọng ở khâu cuối, tức là sau khi các dự án đã đi vào hoạt động. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát công nghệ, quy trình sản xuất, mức độ phát thải… từ khi dự án xin chủ trương đầu tư, thì chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ phía Bộ TN-MT.

Đoàn giám sát của Ủy ban KH-CN và Môi trường Quốc hội giám sát hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty TNHH phát triển Quốc tế Formosa (FIDC), chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Xuân A2 .  Ảnh: QUANG VŨ
Đoàn giám sát của Ủy ban KH-CN và Môi trường Quốc hội giám sát hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty TNHH phát triển Quốc tế Formosa (FIDC), chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Xuân A2.

Cũng liên quan đến những bất cập trong chính sách quản lý BVMT, hiện nay, còn có tình trạng KCN đang bị “làm khó” bởi sự thiếu thống nhất trong các quy định. Chẳng hạn, Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (tên viết tắt là Công ty IZICO) có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung: công suất 3.000m3/ngày đêm (KCN Đông Xuyên) và 4.000m3/ngày đêm (KCN Phú Mỹ 1). Cả 2 nhà máy này đã lắp đặt hệ thống QTTĐ từ năm 2013, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa truyền được dữ liệu về trung tâm điều hành. Đại diện lãnh đạo Công ty IZICO cho biết: Theo Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về BVMT khu kinh tế, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ DN chỉ cần nối đường truyền vào hệ thống QTTĐ chung của tỉnh. Tuy nhiên, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về BVMT KCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lại yêu cầu gắn thêm thiết bị lấy mẫu và camera giám sát tại khu xử lý nước thải tập trung. Cả hai thông tư đều còn hiệu lực và Công ty IZICO chưa thể nối dữ liệu vào Trung tâm Điều hành QTTĐ của tỉnh vì chưa được Bộ TN-MT hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện theo thông tư nào.

Công nhân Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Mỹ 1 vận hành hệ thống quan trắc tự động.
Công nhân Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Mỹ 1 vận hành hệ thống quan trắc tự động.

Nhiều yếu tố chi phối hoạt động BVMT ở các KCN

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, công tác quản lý BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong KCN trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số KCN mới đi vào hoạt động thì chưa đầu tư hoàn thiện hạ tầng thu gom, thoát nước thải như KCN Cái Mép, Mỹ Xuân B1 - Đại Dương… Riêng ở KCN Phú Mỹ 1 do có quá nhiều nhà máy thép, việc xả khí thải của các nhà máy thường cùng lúc vào ban đêm nên ảnh hưởng lớn đến khu dân cư. Điều đáng nói là các dự án cán thép không chịu quy định phải đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động, việc kiểm soát hoạt động xả thải vì thế càng khó khăn hơn.

Ông Đặng Sơn Hải thông tin thêm, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và dự án luyện thép trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17-5-2017, Thủ tướng yêu cầu chỉ được thanh tra, kiểm tra DN 1 lần/năm. Do đó, chỉ trừ các sự cố môi trường xảy ra thì các cơ quan chức năng địa phương mới tiến hành kiểm tra được. Còn lại các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ đều phải phối hợp với Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.