Tập trung xử lý các vấn đề môi trường

Thứ Tư, 14/11/2018, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 14-11, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 10. Tham dự cuộc họp có đại diện các sở, ngành và địa phương.

CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG SO VỚI CÙNG KỲ

Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: 10 tháng đầu năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) tăng 8,56%; nông nghiệp tăng 4,33%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,29%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,21%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 10,67%... Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 67.340 tỷ đồng (đạt 104,9% dự toán năm), tăng 21,7% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách 11.242 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 5.361 tỷ đồng (tăng 10,3%), chi thường xuyên 5.749 tỷ đồng (tăng 9,2%).

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án và điều chỉnh tăng vốn 14 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,944 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án quy mô đầu tư lớn như: Nhà máy PM3 (30 triệu USD); Nhà máy giấy Marubeni tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (211 triệu USD)… Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút được 43 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 17.327 tỷ đồng và 9 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm 2.789 tỷ đồng. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 1.214 DN thành lập mới, với tổng vốn 12.360 tỷ đồng, tăng 35,97% so với cùng kỳ.

Các hoạt động GD-ĐT, y tế, văn hóa, TDTT, thông tin - truyền thông được triển khai đầy đủ, kịp thời. Chính sách đối với người có công, người lao động, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm và thực hiện tốt.

XỬ LÝ BÙN ĐẤT NẠO VÉT VÀ PHẾ LIỆU NHẬP KHẨU

Hoạt động của các cảng biển trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn vì sau khi nạo vét chưa có chỗ để nhận chìm bùn thải. Trong ảnh: Hoạt động của cảng TCIT (TX. Phú Mỹ).
Hoạt động của các cảng biển trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn vì sau khi nạo vét chưa có chỗ để nhận chìm bùn thải. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng TCIT (TX. Phú Mỹ).

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận 2 vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường là xử lý bùn thải nạo vét của các dự án cảng biển và quản lý hàng phế liệu nhập khẩu vào BR-VT. Theo Sở TN-MT, trước đây, dựa trên quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh (được phê duyệt năm 2011), BR-VT đã cho phép tổ chức, cá nhân đổ bùn thải nạo vét tại Khu A (ngoài khơi Vũng Tàu, cách mũi Nghinh Phong 10km, diện tích 225km2) với tổng khối lượng khoảng 21 triệu m3. Gần đây, việc cấp phép này của tỉnh gặp vướng mắc khi Nghị định 40/2016 (quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có hiệu lực từ tháng 7-2016) và Nghị định số 51/2014 (về giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân) ra đời. Theo đó, thẩm quyền cấp phép nhận chìm bùn đất nạo nét thuộc Bộ TN-MT. Các đơn vị có nhu cầu nhận chìm bùn nạo vét ở biển trên địa bàn tỉnh phải lập hồ sơ nộp tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN-MT). Tuy nhiên, việc giao khu vực biển cho các DN thực hiện nhận chìm vật chất gặp trở ngại vì Bộ NN-PTNT cho rằng, vị trí nhận chìm ở biển BR-VT hiện nay có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển. Do đó, tỉnh BR-VT đang thuê Phân viện Nghiên cứu thủy sản Hải Phòng (chi nhánh phía Nam) khảo sát, nghiên cứu và đánh giá. 

Về vấn đề nhập khẩu phế liệu tại các cảng,  ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Hiện nay, tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đang tồn đọng khoảng  3.000 container hàng phế liệu, chủ yếu là các mặt hàng sắt thép, nhựa, giấy. Trong khi Cục Hải quan tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để xử lý lượng hàng tồn đọng  này thì mới đây, tại cuộc họp với các Cục Hải quan một số tỉnh phía Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, lượng hàng phế liệu tồn tại cảng Cát Lái (TP.HCM) lên đến 4.600 container. Do đó, đơn vị này đang có kế hoạch di chuyển số container trên sang một số cảng lân cận, trong đó có BR-VT. 

Trước những vấn đề bức xúc trên, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT và các sở, ngành có liên quan tiếp tục làm việc với các cơ quan của Bộ TN-MT đẩy nhanh tiến độ thủ tục về giao khu vực biển cho các DN, cá nhân tổ chức nhận chìm vật chất nhằm xử lý bùn thải theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến vấn đề phế liệu nhập khẩu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Cục Hải quan tỉnh tham mưu UBND tỉnh ra thông báo tạm dừng tiếp nhận các container phế liệu từ cảng Cái Lái về tỉnh, để tỉnh tập trung xử lý số container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng trên địa bàn. 

Bài, ảnh: PHAN HÀ - QUANG VŨ

;
.