Giá dịch vụ cảng biển vẫn có thể tăng thêm

Chủ Nhật, 30/12/2018, 16:03 [GMT+7]
In bài này
.

Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các DN cảng biển tăng nguồn thu để có thêm nguồn lực tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, hiện đại hoá công nghệ, mở rộng kết nối. Tuy nhiên, theo các DN, mức điều chỉnh giá theo Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT vẫn còn “mềm”, do đó vẫn có cơ sở để tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng thêm.

Đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển từ ngày 1-1-2019 của Bộ GTVT được kỳ vọng sẽ giúp các DN kinh doanh cảng có cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm hiệu quả đầu tư.  Trong ảnh: Tàu cập cảng TCIT làm hàng.
Đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển từ ngày 1-1-2019 của Bộ GTVT được kỳ vọng sẽ giúp các DN kinh doanh cảng có cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm hiệu quả đầu tư. Trong ảnh: Tàu cập cảng TCIT làm hàng.

KHUNG GIÁ CŨ KHÔNG PHÙ HỢP       

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, chi phí xếp dỡ tại các cảng biển của Việt Nam là 30 - 46 USD/container 20 feet. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực, chi phí này cao hơn từ 2-4 lần: Thái Lan 58 USD, Malaysia 75 USD, Brunei là 81USD, Indonesia từ 80-83 USD, Philippines 97 USD, Singapore 111 USD, Trung Quốc 97 USD, Hong Kong 130 USD, Myanmar lên tới 167 USD. Theo đánh giá của các hãng tàu, các cảng trong khu vực chưa hẳn đã tốt hơn Việt Nam. Chẳng hạn, riêng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận tàu lên đến 18.000 - 21.500 TEU, hạ tầng của hầu hết các cảng trong cụm Cái Mép - Thị Vải đều hiện đại, ngang tầm với khu vực. Do đó, mức giá xếp dỡ chỉ có 46 USD/container 20 feet, 68 USD/container 40 feet chỉ bằng 41 - 71% so với mức giá tại các cảng biển khu vực là chưa hợp lý. Giá dịch vụ thấp dẫn tới các DN khó có cơ hội để tái đầu tư hạ tầng.

Lý giải nguyên nhân giá dịch vụ cảng biển thấp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, từ trước tới nay, giá xếp dỡ dịch vụ container do các DN cảng đưa ra. Nhưng do công tác quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển cảng biển chưa đồng bộ, chưa phù hợp chuẩn mực quốc tế, nhiều DN tự đầu tư, tự khai thác cảng dẫn tới việc cung lớn hơn cầu nên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, kéo giá dịch vụ xếp dỡ container xuống dưới giá thành.

GIÁ DỊCH VỤ CẢNG BIỂN SẼ TĂNG TỪ 10%

Theo Thông tư 54/2018/TT-BGTVT do Bộ GT-VT vừa mới ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 hướng dẫn về khung giá một số loại dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất được điều chỉnh như sau: từ 46 USD/container 20 feet lên 52 USD; từ  68 USD/container 40 feet lên 77 USD, tăng hơn 10%. Theo đánh giá của các DN cảng biển, việc tăng giá lần này là cần thiết, phù hợp với thị trường, cân bằng giữa doanh thu của hãng tàu và DN cảng.

Từ 1-1-2019, giá dịch vụ cảng biển sẽ tăng từ 10%. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng tại cảng CMIT. Ảnh: TRÀ NGÂN
Từ 1-1-2019, giá dịch vụ cảng biển sẽ tăng từ 10%.
Trong ảnh: Bốc dỡ hàng tại cảng CMIT.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho rằng: Giá dịch vụ bốc xếp tại khu vực cảng nước sâu gần như không thay đổi trong vòng 5 năm gần đây. Do đó, mức tăng theo Thông tư 54 cho khu vực Cái Mép là hợp lý để giá dịch vụ ngang với khu vực. Việc tăng phí dịch vụ cảng biển không làm tăng chi phí logistics mà chỉ thu lại số tiền dịch vụ các DN cảng xứng đáng được hưởng. 

Tuy nhiên, một số DN xuất, nhập khẩu cũng bày tỏ lo ngại, khi giá dịch vụ xếp dỡ container mới được áp dụng, hãng tàu nước ngoài sẽ kiếm cớ thêm nhiều khoản phụ thu khác để bù vào phần phí phải trả thêm cho DN cảng biển. Điều này sẽ khiến các DN xuất, nhập khẩu phải gánh thêm chi phí, trong khi họ đã phải chịu hàng chục thứ phí khác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hoài Chân Tâm, Giám đốc Cảng SSIT cho rằng: Các hãng tàu nước ngoài đang phụ thu cước bốc dỡ đối với DN xuất nhập khẩu trong nước là 100 USD/container 20 feet và 150 USD/container 40 feet. Việc tăng giá bốc dỡ 10% là mức tăng chưa ảnh hưởng đến mức thu của các hãng tàu hiện nay. Nhiều DN cảng cũng cho rằng, mức tăng 10% còn rất thấp vì vậy Bộ GTVT cần có lộ trình tăng hơn trong thời gian tới, có thể tăng lên 30% trong các năm tiếp theo mới đáp ứng được nhu cầu thu hồi vốn và tái đầu tư cho các DN cảng.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.