Truy xuất nguồn gốc heo còn nhiều bất cập

Thứ Hai, 24/12/2018, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 2 năm sau khi đề án heo hơi nhập vào TP.Hồ Chí Minh phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc, nhiều ý kiến cho rằng quy trình này vẫn nặng về hình thức. Người nuôi heo, thương lái có tham gia thực hiện cũng chỉ mang tính đối phó.

Năm 2018, TP.Hồ Chí Minh là thị trường nhập thịt heo lớn của BR-VT với khoảng hơn 100 ngàn con. Theo đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, từ tháng 9-2017, tất cả heo hơi nhập về các chợ đầu mối lớn của TP.Hồ Chí Minh đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc có những thông tin mã hóa. Điều này giúp cơ quan quản lý và người tiêu dùng có thể kiểm tra được thông tin về sản phẩm thịt heo, từ nơi sản xuất, nguồn gốc thức ăn, chủ trại, lò giết mổ... thông qua điện thoại thông minh đã cài đặt sẵn phần mềm. Tuy nhiên, tại BR-VT, vì nhiều lý do, các hộ chăn nuôi heo vẫn chưa thực hiện phương thức quản lý nguồn gốc nói trên.

Anh Lê Anh Duy, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang nuôi 5 heo nái và hơn 50 heo thịt. Heo của anh chủ yếu được các thương lái thu mua và bán tại TP.Hồ Chí Minh. Anh Duy cho biết: “Tôi đã nắm được thông tin từ cuối năm 2017, heo hơi muốn nhập vào TP.Hồ Chí Minh phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Theo tìm hiểu, việc đăng ký thủ tục không quá phức tạp và được Chi cục Chăn nuôi và Thú y trợ giúp thực hiện. Tuy nhiên, khi thương lái thu mua heo không nhắc gì đến yêu cầu phải có vòng truy xuất, do đó, đến nay tôi vẫn chưa thực hiện”.

Dù thường xuất heo bán cho thương lái đi thị trường TP.Hồ Chí Minh, trang trại heo của anh Lê Anh Duy, xã Xà Bang, huyện Châu Đức vẫn chưa đăng ký mã code truy xuất nguồn gốc heo.
Dù thường xuất heo bán cho thương lái đi thị trường TP.Hồ Chí Minh, trang trại heo của anh Lê Anh Duy, xã Xà Bang, huyện Châu Đức vẫn chưa đăng ký mã code truy xuất nguồn gốc heo.

Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho biết, nếu heo của họ được “đeo vòng” khi xuất bán cũng là do do thương lái trực tiếp làm. Như vậy, đang có tình trạng thương lái mượn code của trang trại heo này đăng ký mã truy xuất cho trang trại khác.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mạnh, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, dù đã đăng ký mã code truy xuất nguồn gốc heo, không phải toàn bộ số heo ông xuất bán đều “đeo vòng” mà phụ thuộc vào nhu cầu của thương lái. “Mỗi con heo nếu đeo vòng truy suất tốn 6 ngàn đồng/2 cái. Vì vậy, chỉ khi thương lái yêu cầu tôi mới thực hiện. Hiện nay, chỉ khoảng 20% heo trong trại của tôi khi xuất bán thực hiện các biện pháp kích hoạt vòng truy xuất nguồn gốc”, ông Mạnh thông tin.  

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Lan, thương lái thu mua heo tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức, nguyên nhân việc nhiều thương lái không yêu cầu người chăn nuôi đeo vòng truy xuất hoặc chỉ đeo đối phó chứ không kích hoạt là điều này làm tăng chi phí phát sinh nhưng lại mang tính đối phó. Các thương lái bán lẻ heo tại các chợ tại TP.Hồ Chí Minh cũng không yêu cầu đeo vòng truy xuất. Nếu có đeo thì đến giai đoạn pha lóc heo họ cũng cắt bỏ vòng này.      

Trao đổi với PV Báo BR-VT về vấn đề này, ông Bùi Quang Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ thú y, Chi Cục thú y tỉnh nhận định, đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo là cần thiết. Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 50 cơ sở đăng ký code với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở chăn nuôi kích hoạt vòng nhận diện nhưng không dùng cho heo của mình mà giao cho thương lái để sử dụng. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác truy xuất nguồn gốc vì xảy ra trường hợp heo xuất từ trại này nhưng dữ liệu lại của trại khác; có khi kích hoạt lại không thấy xuất hiện thông tin vì thương lái chỉ đeo để đối phó. Bên cạnh đó, khi các trại heo xin mã truy xuất, cơ quan quản lý đề án mới chỉ tiếp nhận thông tin từ cơ sở, quá trình kiểm tra vẫn giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (chỉ là đơn vị phối hợp trong đề án này). Trong khi đó, đơn vị này đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực làm công việc kiểm dịch. 

Đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo tăng thêm công việc cho lực lượng kiểm dịch thú y địa phương nhưng lực lượng này của tỉnh đang thiếu nghiêm trọng.
Đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo tăng thêm công việc cho lực lượng kiểm dịch thú y địa phương nhưng lực lượng này của tỉnh đang thiếu nghiêm trọng.

“Một đặc thù của ngành chăn nuôi heo BR-VT là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến hơn 40% tổng đàn. Các hộ này thường xuất bán cho thương lái chỉ khoảng 5-10 con/lần thì khó để yêu cầu họ đăng ký truy xuất. Thêm vào đó, khoảng 50% heo của tỉnh không xuất đi trực tiếp TP.Hồ Chí Minh mà qua các tỉnh lân cận như Đồng Nai. Vì vậy, không loại trừ khả năng heo có nguồn gốc BR-VT những tới các địa phương khác mới đeo vòng truy xuất”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của các bất cập, hạn chế này là chưa có quy định bắt buộc và chế tài cụ thể đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh heo hơi có đeo vòng nhưng không truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có thói quen khai báo thông tin ở từng khâu cụ thể. Do đó, nếu có truy xuất được cũng chỉ dừng ở mức xác định heo của trang trại nuôi nào chứ không biết được quá trình từ khi heo được sinh ra cho đến khi xuất chuồng. Theo ông Bùi Quang Tuấn, để giải quyết tình trạng trên, cần tăng cường công tác quản lý, đưa ra chế tài cụ thể đối với các thương lái vi phạm các quy định trong việc truy xuất nguồn gốc heo. Đồng thời, cần tuyên truyền để người chăn nuôi nâng cao ý thức trong việc khai báo thông tin trong chăn nuôi, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm thịt heo của BR-VT tại thị trường TP.Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.