Có chí thì giàu

Thứ Năm, 17/01/2019, 16:20 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Đức đã biết tổ chức làm ăn, phát triển xản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều gia đình trở nên khá giả.

Chị Dương Thị Kim Linh, chủ cơ sở sản xuất, phân phối gỗ Vạn Phúc giới thiệu các sản phẩm gỗ của gia đình cho khách hàng.
Chị Dương Thị Kim Linh, chủ cơ sở sản xuất, phân phối gỗ Vạn Phúc giới thiệu các sản phẩm gỗ của gia đình cho khách hàng.

Anh Gịp A Dách, SN 1970, ở Đồng Nai là người dân tộc Hoa. Năm 1989, anh Dách và gia đình tới sinh sống và lập nghiệp tại thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức. Ban đầu, anh mở tiệm sửa chữa điện tử tại chợ Láng Lớn. Tuy nhiên, công việc này không giúp gia đình anh có cuộc sống đầy đủ. Năm 1998, anh quyết định vay ngân hàng và người thân 200 triệu đồng đầu tư nuôi hơn 3.000 con gà lấy trứng và thịt. Lần khởi nghiệp này, anh thất bại vì dịch cúm gia cầm. Bỏ chăn nuôi, anh tiếp tục mưu sinh bằng công việc tiếp thị và bán lẻ sản phẩm điện công nghiệp. 

Nhờ am hiểu thiết bị điện, lại nhạy bén trong công việc, anh Dách tiếp cận được các doanh nghiệp trong các KCN và thực hiện được những hợp đồng lớn về cung cấp thiết bị điện công nghiệp. Năm 2007, anh Dách thành lập Công ty TNHH sản xuất TM-DV Trường Phát với mục tiêu kinh doanh chuyên nghiệp, mở rộng thị trường và tiếp cận các khách hàng lớn. “Hiện nay, khách hàng của công ty chủ yếu là các DN trong các KCN. Doanh thu của công ty bình quân khoảng 20 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 11 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng”, anh Dách chia sẻ. 

Trước đây, chồng chị Dương Thị Kim Linh (người dân tộc Châu Ro, ở thôn Tân Giao xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) lái xe cuốc đất, còn chị là công chức. Cuộc sống của gia đình chỉ tạm đủ khiến vợ chồng chị không khỏi nung nấu giấc mơ làm giàu. Sau nhiều đêm trăn trở, anh chị quyết định mở cơ sở sản xuất phân phối đồ gỗ Vạn Phúc. Thời gian đầu, cơ sở của gia đình chị Linh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu mẫu mã đẹp nên khó cạnh tranh với các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Vừa làm vừa học hỏi, anh chị mày mò nghiên cứu cải thiện mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, khách hàng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều, cơ sở sản xuất gỗ của gia đình chị dần phát triển. 

Anh Đào Văn Dương chăm sóc đàn bò của gia đình.
Anh Đào Văn Dương chăm sóc đàn bò của gia đình.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tiền lãi thu về, anh chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô cơ sở và mua thêm các loại thiết bị, máy móc chuyên dụng để sản xuất được nhiều loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Sản phẩm gỗ của cơ sở Vạn Phúc không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được khách hàng tại nhiều tỉnh, thành khác ưa chuộng. Nhờ đó, thu nhập từ cơ sở ổn định quanh mức 200-300 triệu đồng/tháng. “Hiện nay, cơ sở gỗ của gia đình tôi rất ít bán lẻ, mà chủ yếu nhận hợp đồng cung cấp cho các công trình và thực hiện các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Cơ sở tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng”, chị Kim Linh cho hay. 

Trong cộng đồng người dân tộc Châu Ro ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, anh Đào Văn Dương là một điển hình sản xuất giỏi. Gia đình anh có 4 sào tiêu, 5 sào hoa màu, 7 sào lúa, 4 sào bưởi da xanh mới trồng và chăn nuôi 8 con bò thịt. Hàng năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình anh Dương có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh Dương đã mua được 1 xe máy cày và dàn cuốn rơm tự động, vừa phục vụ cho sản xuất của gia đình vừa nhận dịch vụ làm đất, cuốn rơm thuê cho bà con địa phương. 

Ông Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết, ngoài các điển hình trên, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện Châu Đức đã biết tổ chức làm ăn, vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Trong đó, nhiều người là những tấm gương tốt trong lao động sản xuất, được bầu làm người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.