Nông dân điêu đứng vì hồ tiêu mất giá

Thứ Năm, 14/02/2019, 15:50 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm này, hồ tiêu bước vào vụ cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên, giá hồ tiêu xuống mức thấp, cộng với tình trạng khan hiếm nhân công hái tiêu và tiền công cao khiến nhiều người trồng tiêu điêu đứng. Nhiều hộ tính đến phương án không thu hoạch mà để tiêu tự chín rụng.

Phơi hồ tiêu tại gia đình bà Ngô Thị Huân, ở thôn Hiệp Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức.
Phơi hồ tiêu tại gia đình bà Ngô Thị Huân, ở thôn Hiệp Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức.

Những ngày này, không khí tại các vườn hồ tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức rất ảm đạm, dù đang là thời điểm rộ mùa thu hoạch. Những vườn tiêu rộng cả héc ta chỉ có vài bóng người thu hoạch. 

Ông Nguyễn Phương Đông, ở thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh có 1ha hồ tiêu. Ông ước tính, năm nay vườn tiêu của gia đình cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn. Thời điểm này những năm trước, vườn tiêu đã được thu hoạch gần xong, tuy nhiên, năm nay, ông vẫn chưa mặn mà với việc này. Ông Đông cho biết: “Hiện nay thương lái thu mua hồ tiêu khô chỉ 46 ngàn đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, còn so với cùng kỳ năm 2018 thì giảm hơn phân nửa. Trong khi đó, chi phí sản xuất tiêu ngày càng tăng cao, hiện ở mức trên 70 ngàn đồng/kg. Với giá này, gia đình tôi thua lỗ hàng chục triệu đồng. Vì vậy tôi vẫn do dự chưa muốn thu hoạch ngay, hy vọng giá tăng lên đôi chút”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá tiêu trong nước giảm mạnh do giá hồ tiêu thế giới giảm. Hiện nay, nhiều DN của Việt Nam đang xuất khẩu hồ tiêu đạt chuẩn ASTA (Hiệp hội Thương mại gia vị Hoa Kỳ) với giá 2.450 USD/tấn, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân là trong thời điểm hoàng kim, diện tích trồng hồ tiêu tại các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Campuchia, Brazil và Việt Nam tăng chóng mặt, gây nên tình trạng cung vượt cầu. Đơn cử như tại huyện Châu Đức, quy hoạch diện tích hồ tiêu của tỉnh chỉ khoảng 6.000ha nhưng hiện nay địa phương đã có trên 7.400ha hồ tiêu.

Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Phương Đông, ở thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh.
Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Phương Đông, ở thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài một số hộ chần chừ do sợ thua lỗ, nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức dù muốn thu hoạch cũng không thể làm được vì khan hiếm nhân công thời vụ. Gia đình bà Ngô Thị Huân, ở thôn Hiệp Long, xã Kim Long bắt đầu thu hoạch 1,3ha tiêu (sản lượng khoảng 3 tấn) từ trước Tết 1 tuần nhưng tới nay chưa được 10% diện tích. Nguyên nhân là do bà Huân không thể thuê được nhân công thu, hái. Bà Huân cho biết: “Mọi năm, vườn tiêu nhà tôi cần khoảng 10 công lao động, thu khoảng 1 tháng thì xong. Tuy nhiên, năm nay dù giá nhân công là 220 ngàn đồng/ngày (tăng 20 ngàn đồng/ngày) nhưng tôi vẫn chỉ thuê được 3 người. Với tiến độ này, khả năng thời gian thu hoạch tiêu của gia đình tôi phải trên 3 tháng mới xong, có lẽ tôi phải để tiêu tự chín rụng dù biết làm như vậy sẽ khiến cây suy kiệt, ảnh hưởng đến năng suất của mùa sau”. 

Tình trạng thiếu nhân công thu, hái tiêu diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Châu Đức. Theo ông Lê Quý Thịnh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, diện tích trồng tiêu của huyện khoảng 7.400ha, trong đó khoảng 6.000ha đến tuổi cho thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 10 ngàn tấn. Năm nay, giá tiêu xuống thấp khiến nhiều người trồng tiêu thua lỗ nặng và dự báo, giá tiêu còn giữ ở mức thấp trong thời gian tới. Ông Thịnh cho biết: “Ngoài tình trạng giá xuống thấp, trên địa bàn huyện đang thiếu lao động thu, hái tiêu thời vụ trầm trọng. Nguyên nhân là nhiều lao động ở nông thôn đã tìm ra các thành phố lớn làm việc. Bên cạnh đó, diện tích trồng tiêu phát triển ồ ạt, “người người, nhà nhà trồng tiêu” cũng khiến nhu cầu nhân công trong mùa thu hoạch tiêu tăng đột biến, không có đủ lao động để cung cấp”. Để hỗ trợ nông dân hái tiêu, Huyện ủy, UBND huyện đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lực lượng hỗ trợ, giúp bà con thu hái tiêu. Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện đang rà soát diện tích, sản lượng và lựa chọn các hộ phù hợp để hỗ trợ thu hoạch tiêu. 

150 ĐVTN huyện Châu Đức ra quân giúp dân hái tiêu

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo khẩn từ Huyện ủy (ngày 13-2), Huyện Đoàn Châu Đức đã triển khai kế hoạch vận động thanh niên tình nguyện tham gia thu hoạch hồ tiêu giúp bà con nông dân.

Theo đó, khoảng 150 ĐVTN trên địa bàn huyện cùng lực lượng quân sự ra quân giúp dân hái tiêu vào các ngày 16 và 17-2 tại 4 xã Kim Long, Bàu Chinh, Quảng Thành và Láng Lớn.

Ngoài ra, Huyện Đoàn còn chỉ đạo các Đoàn cơ sở xã, thị trấn thành lập đội thanh niên tình nguyện (ít nhất 10 người mỗi đội) để rà soát các hộ khó khăn về nhân công hái tiêu, nhất là những gia đình có thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ năm 2019. Đồng thời, vận động các em học sinh chung sức tham gia hoạt động này.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, lượng tiêu thu hoạch giúp người dân chỉ ở mức rất nhỏ so với sản lượng tiêu của huyện Châu Đức và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Để giải quyết triệt để vấn đề trên cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là cần tăng cường sử dụng KH-CN, áp dụng máy móc vào sản xuất, nhất là khâu thu hoạch, và chế biến. Bên cạnh đó, trước việc lao động nông nghiệp có xu hướng giảm mạnh, huyện đã tuyên truyền, xây dựng các mô hình chuyển đổi sang các loại hình nông nghiệp đem lại hiệu quả cao nhưng tốn ít nhân công lao đông. “Chúng tôi đã hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện 39 mô hình thuộc 14 loại hình nông nghiệp, trong đó, tập trung vào các mô hình tốn ít diện tích, nhân công lao động như trồng nấm, trồng dâu nuôi tằm, nuôi thỏ, nuôi gà trống thiến… thay thế diện tích hồ tiêu đang ngày càng trở nên bấp bênh. Hiện nay, một số mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả tốt và chúng tôi sẽ tính đến phương án duy trì, mở rộng trong thời gian tới”, ông Thịnh nói.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.