Nông dân khởi đầu mùa vụ nhiều hy vọng

Thứ Hai, 11/02/2019, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt tay trở lại sản xuất. Ngoài việc cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nông đã chủ động tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và KH-CN vào sản xuất với kỳ vọng năm mới bội thu.

NUÔI CÁ THỜI @

Năm Mậu Tuất, nhiều người nuôi thủy hải sản lồng bè thắng lớn. Thời tiết thuận lợi, giá hàu, các loại cá lồng bè ổn định nên các vụ nuôi đều cho thu nhập khá. Nhờ đó, bà con đã có một cái Tết sung túc, đủ đầy. Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các hộ nuôi lồng bè đã trở lại với công việc thường nhật. Ông Hoàng Văn Thanh, nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu hơn 5 năm qua. Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, ông đã tất bật chuẩn bị thả gần 10 ngàn con cá giống thuộc các loại: bớp, chẽm, chim trắng vây vàng. Ông Thanh cho biết: “Đầu năm mới có nắng nhẹ, nồng độ oxy và các thông số khác của nguồn nước đều ổn định nên thuận lợi cho việc thả giống. Tôi hy vọng thời tiết tiếp tục thuận lợi, nguồn nước không xuất hiện bất thường để các vụ nuôi cá năm nay cũng thành công như năm ngoái”. 

Nuôi hàu Thái Bình Dương ở xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Nuôi hàu Thái Bình Dương ở xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Hiện nay, nhiều hộ nuôi lồng bè đã đầu tư máy móc, áp dụng KH-CN vào sản xuất. Ông Nguyễn Công Biên, tiểu khu số 3, khu quy hoạch nuôi lồng bè sông Chà Và đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho hệ thống máy nghiền, phân loại thức ăn thủy sản để tiết kiệm công lao động và mua máy sục oxy dùng trong trường hợp cá có dấu hiệu bất thường. “Tôi cũng đã được nhà nước hỗ trợ lắp đặt máy quan trắc môi trường nước tự động. Khi nước xuất hiện bất thường, máy sẽ báo vào điện thoại nên tôi có thể kịp thời xử lý, tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại. Nhờ đó, tôi và một số hộ nuôi lồng bè sẽ chủ động hơn, không còn hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên như trước”, ông Biên nói.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, năm 2018, giá cá lồng bè luôn ở mức cao; nguồn nước, thời tiết thuận lợi nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, theo ông Thi, việc giá thủy sản nuôi lồng bè tăng cũng kéo theo nguy cơ bà con ồ ạt mở rộng diện tích và tăng mật độ nuôi có thể tác động xấu đến môi trường nuôi và dư nguồn cung dẫn đến mất giá. “Để giải quyết vấn đề trên, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung bản đồ quy hoạch chi tiết khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo quy hoạch, BR-VT có 3 khu vực nuôi lồng bè chính là sông Chà Và (thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), sông Dinh (đoạn từ cầu Gò Găng đến cầu Cỏ May, phường 12, TP. Vũng Tàu) và sông Mỏ Nhát (TX. Phú Mỹ) với tổng diện tích 123,3ha”, ông Thi cho biết.

LÀM NÔNG KHÔNG PHỤ THUỘC THỜI TIẾT

Đối với người trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, 2018 là năm nhiều thăng trầm. Ngoài những loại cây trồng đem lại thu nhập cao như mãng cầu, bưởi da xanh, dịch bệnh và những cơn “bão” giảm giá đã khiến nhiều hộ trồng nhãn, thanh long lao đao. Vì vậy, nhiều hộ trồng trái cây đã chú trọng chọn giống cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Ông Trần Thành Đồng (ấp 1, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) cho biết, năm 2018, vườn nhãn tiêu da bò của gia đình thiệt hại hoàn toàn do bệnh chổi rồng. Do vậy, năm nay ông chuyển sang trồng một số giống nhãn chất lượng cao, ít bệnh tật như nhãn xuồng cơm vàng và nhãn ghép, ít có nguy cơ mắc loại bệnh này. “Bên cạnh đó, tôi cũng đã đầu tư 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm chi phí sản xuất như điện, nước, nhân công tưới. Hy vọng, việc chọn loại giống chất lượng cao, sạch bệnh và áp dụng KH-CN vào sản xuất sẽ đem lại những vụ nhãn thành công”, ông Đồng cho biết.

Ông Phan Bá Thế, chủ vườn mai Bá Thế (967, đường 30-4, phường 11, TP. Vũng Tàu) cho biết, sau vài vụ mai mất trắng do thời tiết thất thường, khoảng 4 năm gần đây, ông đã đầu tư hệ thống nhà màng công nghệ Israel để che phủ 15.000m2 diện tích trồng mai. Lợi ích của nhà màng này là khi có mưa trái mùa, có sương muối, người trồng mai sẽ kéo màng che cho cây không bị rụng nụ, hoặc bung vỏ trấu khi đang thời kỳ chuẩn bị ra hoa. “Nhờ vậy, mùa mai Tết Kỷ Hợi, trong khi nhiều vườn mất trắng vì hoa nở sớm thì vườn nhà tôi vẫn có 2.000 gốc mai đẹp, nở đúng Tết để cung ứng cho thị trường. Đầu tư trang bị công nghệ phục vụ sản xuất là nhu cầu cấp thiết của người làm nông thời nay”, ông Thế kết luận. 

Ông Nguyễn Văn Hai (ấp Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel vào vườn tiêu của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hai (ấp Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel vào vườn tiêu của gia đình.

QUANG VINH - QUANG VŨ

;
.