Tiếp sức cho dự án khởi nghiệp

Thứ Ba, 26/03/2019, 16:00 [GMT+7]
In bài này
.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại BR-VT trong những năm qua diễn ra khá sôi động. Tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2018”, 17 dự án vào vòng chung kết đều là những dự án có tính khả thi. Tuy nhiên, để thành công, các dự án khởi nghiệp cần được “tiếp sức”.

Chị Nguyễn Thị Huyền với sản phẩm “Vỏ bọc cách nhiệt từ xơ mướp”.
Chị Nguyễn Thị Huyền với sản phẩm “Vỏ bọc cách nhiệt từ xơ mướp”.

NHIỀU DỰ ÁN TIỀM NĂNG 

Trong số 17 dự án vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018”, nhiều dự án đã triển khai thực tiễn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhất định như: Dự án Mộc thanh trà Việt Nam; Dự án Chocolate Bapula; Dự án Sản xuất và thương mại sản phẩm trái cây sấy trên địa bàn tỉnh; Dự án Vỏ bọc cách nhiệt bằng xơ mướp; Dự án Vuta web - hỗ trợ DN tiếp cận thương mại điện tử; Dự án chuỗi cửa hàng bean Jam cafeteria and Bakery, Lavia: coffe - kidzone - English… 

Nông trại Evole (phường 10, TP. Vũng Tàu) được hình thành từ tháng 10-2018 theo dự án “Vỏ bọc cách nhiệt bằng xơ mướp” của cô gái trẻ Nguyễn Thị Huyền (SN 1990). Nông trại rộng 2.000m2 phần lớn diện tích để trồng mướp. Từ những trái mướp già ở nông trại này, chị Nguyễn Thị Huyền, thạc sĩ chuyên ngành phát triển môi trường bền vững Trường ĐH Chulalongkorn Uni (Thái Lan) đã biến chúng thành những chiếc vỏ bọc cách nhiệt xinh xắn và hữu ích cho các nhà hàng, khách sạn có phục vụ đồ uống. Theo chị Huyền, xơ mướp có độ đàn hồi cao, kết cấu tốt với các thớ xơ chạy ngang dọc. Xơ mướp không bị mốc, mối, mọt và có khả năng chịu nhiệt cao. Tuy nhiên, chất liệu này lại không dễ định hình theo ý muốn nên chị Huyền đã mất nhiều công nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý để cho ra sản phẩm đúng ý muốn. Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm, chị Huyền tìm ra bí quyết là ép xơ mướp thành từng tấm rồi cắt thành từng miếng kích thước 20x5cm, sau đó may đường viền bằng vải xung quanh và có miếng dán để điều chỉnh theo kích cỡ của chiếc ly, bình. 

Chị Huyền mang sản phẩm đi dự triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh và các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei và được đánh giá cao. Với giá bán 35.000 đồng/cái, hiện chị Huyền đang nhận những đơn hàng đầu tiên cho một số quán ăn, nhà hàng, khách sạn tại TP. Vũng Tàu, Thái Lan… Chị Huyền dự định mở rộng vùng trồng mướp tại quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) và Tiền Giang để có đủ nguyên liệu làm vỏ bọc cách nhiệt xuất bán ra nước ngoài.  

Chocolate Bapula là một dự án trong lĩnh vực nông nghiệp của anh Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty thực phẩm Amazon (TX. Phú Mỹ). Dự án này được hình thành từ tháng 3-2017 khi anh đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất ca cao, socola với vốn đầu tư khoảng 50.000 USD. Chocolate Bapula có 5 loại sản phẩm gồm: 92% organic, 72% organic, 72% thường, 68% thường và 72% quế hồi. Hiện sản phẩm đã được bán rộng rãi trên thị trường BR-VT, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang và 50% sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản cho các nhà phân phối lớn như AOE Mall, 7-Eleven…

Trong khi đó, Lavia: coffe - kidzone - English là một dự án khá thú vị của hai bạn trẻ Huỳnh Thu Sương và Huỳnh Văn Trãi đến từ TP. Vũng Tàu. Khác với mô hình quán cà phê thông thường, Lavia là một không gian cà phê trải nghiệm thú vị dành cho phụ huynh và trẻ em. Đến Lavia, cha mẹ có thể uống cà phê, dùng bánh, trái, trong khi các em nhỏ tham gia các lớp học về khoa học, tiếng Anh cùng giáo viên nước ngoài... Chị Huỳnh Thu Sương cho biết, dự án Lavia: coffe - kidzone - English đã triển khai hiệu quả tại BR-VT. Chị đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu Lavia và nhượng quyền cho 2 cơ sở tại Khánh Hòa và Đà Nẵng. 

Ông Bùi Đức Thịnh (TP. VũngTàu) (phải) trình bày với ban giám khảo về dự án “Hố thu nước mặt đường và nước thải sinh hoạt gia đình nhiều tác dụng, nhiều kích cỡ cùng chung tác dụng”.
Ông Bùi Đức Thịnh (TP. VũngTàu) (phải) trình bày với ban giám khảo về dự án “Hố thu nước mặt đường và nước thải sinh hoạt gia đình nhiều tác dụng, nhiều kích cỡ cùng chung tác dụng”.

CẦN ĐƯỢC “TIẾP SỨC”

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2018” cho biết, từ 70 dự án dự thi, ban tổ chức đã chọn 17 dự án vào vòng chung kết. Các dự án tập trung ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp cơ khí, giáo dục, thương mại, du lịch, nhà hàng - đồ uống và công nghệ thông tin. Các dự án được chọn dựa trên các tiêu chí: Tính đổi mới sáng tạo; khả năng thương mại hóa; khả năng tăng trưởng có thể mở rộng, gia tăng doanh thu; tính khả thi; mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế xã hội… “Các dự án năm nay đều có tính sáng tạo cao, nhiều dự án đã triển khai trên thực tiễn, một số dự án có ý tưởng tốt và có tính khả thi”, ông Mai Thanh Quang nhận xét.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nhóm bạn trẻ hoặc cá nhân khởi nghiệp thường gặp khó khăn trong giai đoạn hình thành ý tưởng. Chị Nguyễn Thị Mộng Thu, chủ nhiệm dự án “Sữa chua tổ yến Yosanest” (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sản phẩm của chị đã được sản xuất và phân phối tại các nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh với số lượng khoảng 5.000 hũ/ngày. “Tuy nhiên, để sản phẩm đến được thị trường BR-VT, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo chương trình vốn vay cho dự án khởi nghiệp để xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần được hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… để sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, chị Thu nói.

Mục tiêu của chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020 là đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ ít nhất 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 50 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển các loại hình DN có công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Điều kiện hỗ trợ là các DN khởi nghiệp thành lập ở tỉnh BR-VT có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu hoặc cá nhân, nhóm có dự án khởi nghiệp cam kết đăng ký kinh doanh tại BR-VT. Các dự án khởi nghiệp được ưu tiên ở các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Mức hỗ trợ tối đa cho dự án khởi nghiệp là 1 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ không quá 24 tháng.

Anh Trần Thái Sơn, Chủ nhiệm dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá”, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt thì cho rằng, DN khởi nghiệp cần được các chuyên gia nghiên cứu thị trường cung cấp những thông tin về thị trường mà mình hoạt động. Ngoài ra, các thông tin này còn giúp DN khởi nghiệp phát triển kế hoạch kinh doanh và thích ứng với thị trường trong tương lai.

Theo ông Mai Thanh Quang, Sở KH-CN đang xây dựng đề án “Vườn ươm doanh nghiệp”, thiết lập mạng lưới liên kết, mạng lưới cố vấn và tư vấn để giúp DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công. Sở sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm kết nối các nguồn lực từ nhà nước, các trường đại học và tổ chức giáo dục; nguồn lực từ các quỹ, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, DN... nhằm biến các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành những dự án mang lại hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội cao cho BR-VT. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ 

;
.