Vì sao cửa biển Bến Lội - Bình Châu thường xuyên bị bồi lấp?

Thứ Sáu, 22/03/2019, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.

Ngân sách nhà nước đã chi nhiều tỷ đồng để nạo vét nhiều lần, nhưng luồng vào cảng Bến Lội - Bình Châu vẫn thường xuyên bị cát bồi lấp hàng năm, nhất là vào mùa gió chướng. Tình trạng cửa biển bị bối lấp làm hẹp luồng lạch khiến các tàu cá có công suất từ 100CV trở lên gặp khó khăn khi ra vào cảng.

Do cảng Bến Lội - Bình Châu bị bồi lấp nên chỉ có ghe, tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ vào được cảng.
Do cảng Bến Lội - Bình Châu bị bồi lấp nên chỉ có ghe, tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ vào được cảng.

BỒI LẮNG DO CHẶN DÒNG SÔNG LÔ?

Một ngày trung tuần tháng 3, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia cùng lãnh đạo xã Bình Châu và một số ngư dân trên địa bàn đi dọc sông Chùa (nằm trên địa bàn xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) khảo sát nguyên nhân khiến cửa biền Bến Lội bị lối lấp. 

Chỉ tay xuống con đường bê tông chạy dài ra cửa biển Hà Lãng (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân), ông Mai Văn Minh (SN 1962, Trưởng ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu) cho biết: Trước đây, nước từ con sông Chùa chảy vào sông Lô và đổ ra cửa biển Bến Lội - Bình Châu với dòng chảy rất mạnh nên lúc nào cửa biển cũng thông thoáng, tàu ghe ra vào dễ dàng. Năm 1991, tỉnh Bình Thuận mở con đường này ra biển, làm chặn dòng chảy của sông Chùa. Từ đó, nước sông Chùa không chảy được vào sông Lô, khiến con sông này như một ao tù. Nguồn nước phụ thuộc vào thủy triều và gây bồi lắng tại cửa biển Bến Lội - Bình Châu. 

Lão ngư Trần Tý đề nghị xây bờ kè bên kia sông Lô để tránh xói lở, gây lắng đọng cát tại cửa biển Bến Lội.
Lão ngư Trần Tý đề nghị xây bờ kè bên kia sông Lô để tránh xói lở, gây lắng đọng cát tại cửa biển Bến Lội.
Ông Trần Tý (SN 1946, ở xã Bình Châu), người có gần 50 năm gắn bó với nghề biển cho biết, bờ bên kia sông Lô chưa được kè nên ngày càng xói lở nghiêm trọng khiến đất, cát theo nước thủy triều đẩy vào và lắng đọng tại khu vực cửa biển. Vì vậy, dù tỉnh và huyện đã cho chủ trương và kinh phí nạo vét nhiều lần khu vực này nhưng luồng vào cảng lại nhanh chóng bị bồi lấp trở lại, nhất là vào mùa gió chướng (từ tháng 9 đến tháng 12). Ông Tý đề nghị xây bờ kè bên kia sông Lô để tránh xói lở, gây lắng đọng cát tại cửa biển Bến Lội. 
 
Theo ông Trần Văn Trung (ấp Bình Hòa, xã Bình Châu), chủ tàu cá BV 95674TS, do luồng bị bồi lấp nên tàu cá của gia đình ông phải đi đường vòng qua các cảng Bến Đình, Cát Lở (TP. Vũng Tàu), hoặc sang TX. Lagi (Bình Thuận)… để bán hải sản. Điều đó làm tăng chi phí mỗi chuyến biển lên hàng chục triệu đồng. “Mùa mưa năm 2017, tàu cá của tôi bị mắc cạn tại cửa biển Bến Lội. Tàu bị phá nước, tràn vào khoang máy, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp lâu dài xử tình trạng bồi lắng cửa biển”, ông Trung nói.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP TỐI ƯU?

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại cửa biển Bến Lội - Bình Châu, khoảng cách giữa 2 kè chắn sóng rộng 200m, mực nước biển sâu chừng 1m, chỉ có một luồng chảy sâu chừng 3m, rộng gần 10m nên việc lưu thông của ghe, tàu gặp nhiều khó khăn. Do luồng vào cảng hẹp, những tàu lớn của ngư dân phải neo đậu ngoài xa rồi trung chuyển hải sản xuống các ghe công suất nhỏ để chở vào bờ làm tăng chi phí khai thác thủy, hải sản, lợi nhuận của ngư dân giảm. 

Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án và Đầu tư huyện Xuyên Mộc cho biết, công trình đê chắn cát giảm sóng tại cửa Bến Lội - Bình Châu được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2011, giúp ghe, tàu tránh trú bão an toàn hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công trình này thiết kế không so le (2 đầu đê bằng nhau), nên cát dễ dàng tích tụ giữa 2 đầu đê do tác động của dòng chảy ven bờ. Do đó, cứ 2 năm, cửa biển cần được phải nạo vét một lần với khối lượng hơn 100 ngàn m3 cát. Gần đây nhất, tháng 2-2018, huyện Xuyên Mộc đã nạo vét hơn 54.000m3 cát tại cửa biển Bến Lội, nhưng luồng lạch cũng chỉ thông thoáng được vài tháng và đến nay lại bị bồi lấp trở lại. 

Sông Lô giờ đây như nước vũng nước tù, tùy thuộc vào thủy triều, khiến việc bồi lắng cát tại cửa biển Bến Lội càng thêm nhanh.
Sông Lô giờ đây như nước vũng nước tù, tùy thuộc vào thủy triều, khiến việc bồi lắng cát tại cửa biển Bến Lội càng thêm nhanh.

Bà Lê Kim Lựu, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu cho biết, cửa biển Bến Lội không chỉ là điểm trú bão, lên xuống hàng hóa và lấy nhiên liệu cho ghe, tàu của ngư dân xã Bình Châu mà còn cho các phương tiện đánh bắt xa bờ của các tỉnh khác. Tình trạng bồi lấp làm thu hẹp luồng Bến Lội khiến ngư dân gặp nhiều khhó khăn. Ghe, tàu vào được bến rồi, ngư dân lại lo lúc ra khơi không biết có vượt được qua cửa không hay lại bị mắc cạn. 

Tình trạng sa bồi luồng vào cảng Bến Lội - Bình Châu cần có đánh giá đầy đủ về sự biến đổi của dòng chảy và sự xâm thực, xói lở bờ cát từ sông Lô và các dòng hải lưu ngoài biển… để tìm ra giải pháp hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời hạn chế mức thấp nhất cát bồi lấp cửa biển, tạo điều kiện phát triển nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Bình Châu.
(Tiến sĩ Đặng Thị Hà, Viện Kỹ thuật kinh tế biển,
Trường Đại học BR-VT)
 
Tháng 2-2018, huyện Xuyên Mộc đã tiến hành nào vét hơn 54.000m3 cát bồi lấp tại cửa biển Bến Lội. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, phải tiến hành khảo sát, xem lại thiết kế bờ đê đầu cửa biển đã hợp lý với dòng chảy ven bờ như hiện nay chưa. Đồng thời, cải tạo lại dòng sông Lô, xây bờ kè hai bên sông để tránh xói lở và tàu ra vào tránh trú bão an toàn. Đây cũng là giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng bồi lấp như hiện nay. 
(Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý 
Dự án và Đầu tư huyện Xuyên Mộc)

Tiến sĩ Đặng Thị Hà (Viện Kỹ thuật kinh tế biển, Trường Đại học BR-VT) phân tích có 3 quá trình sa bồi cơ bản gồm: bồi lấp cửa, bồi lấp luồng lạch và bồi lấp góc. Lý giải hiện tượng cát bồi lấp tại cửa biển Bến Lội - Bình Châu, tiến sĩ Hà cho rằng, có thể do đây là vị trí sa bồi tự nhiên rất mạnh mà không thể có hoặc chưa có khả năng chỉnh trị. Ngoài ra, hiện tượng bồi lắng ở đây còn có thể do dòng bồi tích dọc 2 bờ kè; biến động khí hậu - thủy văn, gây suy giảm dòng chảy sông, tạo điều kiện bồi lấp cửa sông. Do đó, để có kết luận cụ thể, cần phải thực địa và nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến cơ chế bồi lấp cửa biển Bến Lội. 

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.