Đồng hành với nông dân

Thứ Ba, 23/04/2019, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đất Đỏ đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn vay, cây, con giống, Hội Nông dân huyện còn vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một diện tích. 

Cán bộ Hội Nông dân huyện và xã Phước Hội khảo sát dự án nuôi bò sinh sản tại gia đình anh Ngô Văn Tý.
Cán bộ Hội Nông dân huyện và xã Phước Hội khảo sát dự án nuôi bò sinh sản tại gia đình anh Ngô Văn Tý.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Hữu An (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) trồng vườn tạp, thu nhập không cao. Năm 2014, ông chọn cây dừa - một loại cây ở quê hương Bến Tre của ông để trồng tại Đất Đỏ. Nhờ kiến thức, kinh nghiệm sẵn có và sự hỗ trợ của địa phương thông qua các lớp tập huấn, gần 500 gốc dừa trên diện tích 1ha đã phát triển tốt. Hiện nay, vườn dừa của gia đình chủ yếu cung cấp cho thương lái đưa đi phân phối ở các tỉnh, thành trong nước. Với giá bán khoảng 9.000 đồng/trái, mỗi năm gia đình ông thu lợi 300 triệu đồng. Kinh tế gia đình khấm khá hơn trước. Ông cho biết, để có thêm dừa cung cấp cho thị trường, ông đã trồng thêm 100 gốc dừa mới, dự kiến khoảng 1-2 năm nữa số dừa này sẽ cho thu hoạch. 

Còn ông Nguyễn Duy Thanh (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) lại chọn cây nhãn xuồng cơm vàng để phát triển kinh tế gia đình. Khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, ông được địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc cây nhãn. Nhờ đó, vườn nhãn của gia đình ông phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. “Vụ vừa rồi, 500m2/1ha vườn nhãn đã cho khoảng 1,6 tấn trái. Với giá bán trung bình 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng xen canh đậu phộng để tăng thu nhập. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi bớt khó khăn hơn”, ông Thanh nói.

Một mô hình khác cũng đang cho hiệu quả là cây măng tây. Chị Lương Thị Cẩm (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) cho biết, cách đây hơn 2 năm, sau khi được tham quan mô hình trồng măng tây tại tỉnh Ninh Thuận, chị đã chuyển diện tích trồng rau xanh sang trồng măng tây. Được Hội Nông dân huyện Đất Đỏ hỗ trợ 900 cây giống, chị mua thêm 2.000 cây trồng trên diện tích 500m2. Hiện nay, mỗi năm, gia đình chị thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ mô hình này. “So với trồng các loại rau như dền, cải, muống thì măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”, chị Cẩm nói.

Theo ông Huỳnh Thanh Viễn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ, qua trồng thử nghiệm tại địa phương cho thấy cây măng tây có hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Thời gian tới, xã sẽ từng bước vận động nông dân chuyển đổi các mô hình kém hiệu quả sang trồng măng tây, hình thành vùng chuyên canh măng tây nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn.

Tại xã Láng Dài, trước đây chỉ có 12 hộ trồng mãng cầu ta với diện tích 28ha. Từ năm 2013, chính quyền địa phương đã xác định đây là cây trồng chủ lực nên đã quy hoạch vùng trồng tập trung, nâng diện tích trồng mãng cầu lên 60ha. Hội Nông dân xã đã tổ chức các chương trình tập huấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn phát triển giúp nông dân đầu tư sản xuất. Đến nay, nhiều hộ dân đã biết cách làm giàu từ cây trồng này và đánh giá là mô hình bền vững, mang lại thu nhập cao. Ngoài ra, trên những chân ruộng cao, nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, các mô hình canh tác luân canh cây lúa với các loại cây trồng ngắn ngày không đòi hỏi nhiều nước tưới như dưa hấu, rau, bắp, đậu phộng... giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng hệ số vòng quay sử dụng đất tăng lên 1,95 lần, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp tăng lên từ 80-85 triệu đồng.

Tính đến hết tháng 3-2019, từ nguồn vốn ngân sách 3,5 tỷ đồng của huyện cấp để xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã cho 105 hội viên vay 2,7 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, Hội vận động gần 584 triệu đồng giúp cho hộ hội viên nông dân vay để phát triển kinh tế gia đình... Mỗi dự án được vay từ 20 - 40 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi 0,7%/tháng.

Ông Nguyễn Văn Tốt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ cho biết, bên cạnh hỗ trợ về vốn cho nông dân, cán bộ Hội cũng thường xuyên đến từng hộ kiểm tra việc sử dụng vốn để tư vấn, điều chỉnh kịp thời. Nhờ vậy, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện ngày càng phát huy hiệu quả, giúp các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, nâng cao chất lượng nông sản, chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh; hình thành các vùng sản xuất tập trung, có cơ chế, chính sách khuyến khích nuôi trồng các cây, con truyền thống có giá trị kinh tế cao nhằm phát huy lợi thế từng vùng thâm canh và tạo vùng hàng hóa gắn với chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục rà soát và hỗ trợ vốn, cây, con giống cho hội viên nông dân; đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Từ các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội tiếp tục nhân rộng đến các hội viên khác, đồng thời thử nghiệm các mô hình mới như trồng khoai mài trong thùng tại xã Phước Hội; trồng lúa sạch, an toàn theo hướng hữu cơ trên 6ha tại xã Láng Dài và thị trấn Đất Đỏ…

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.