Xử lý ngay các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Thứ Năm, 09/05/2019, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh qua buổi khảo sát một số điểm đen ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh sáng 9-5. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở TN - MT, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Ô nhiễm trong khu dân cư tại khu vực cầu Xóm Đạo, ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền. Ảnh: THÀNH HUY
Ô nhiễm trong khu dân cư tại khu vực cầu Xóm Đạo, ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền. Ảnh: THÀNH HUY

NHIỀU “ĐIỂM NÓNG” CHẬM KHẮC PHỤC

Trong sáng 9-5, Đoàn đã khảo sát thực tế hiện trạng ô nhiễm tại khu vực đầu cầu Cửa Lấp (phường 12, TP. Vũng Tàu); khu vực cầu Xóm Đạo (ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền); hồ Đá Đen (huyện Châu Đức); khu xử lý chất thải tập trung 100ha Tóc Tiên... 

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện vẫn còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường (ONMT) chậm được khắc phục. Tình trạng rác thải ứ đọng, bốc mùi hôi thối, gây ONMT nghiêm trọng hơn như tại đầu cầu Cửa Lấp, dọc bờ biển Phước Tỉnh… Trong khi đó, theo báo cáo của Sở TN-MT cho thấy, đến nay mới chỉ có một số “điểm nóng” được tiến hành các giải pháp khắc phục ONMT: Ô nhiễm cống số 6- khu chế biến hải sản Tân Hải (dự kiến tháng 9-2019 sẽ hoàn thành); 6/6 nhà máy luyện thép đã đấu nối và truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành quan trắc tự động để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát; di dời một số trang trại chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi hành lang bảo vệ nguồn nước… 

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát tình hình nạo vét hồ Đá Đen. Ảnh: QUANG VŨ
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát tình hình nạo vét hồ Đá Đen. Ảnh: THÀNH HUY

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án nằm trong nhóm các “điểm nóng” về ONMT chưa có nhiều chuyển động. Đáng chú ý là việc xử lý rác thải ở suối Nhật Bổn (huyện Côn Đảo) nhiều năm qua, được xem là vấn đề cấp bách để “cứu” Côn Đảo khỏi nguy cơ ONMT nghiêm trọng. Nhưng đến cuối tháng 4 -2019, tỉnh vẫn chưa “chốt” được phương án xử lý. Theo Sở Xây dựng, UBND tỉnh đang yêu cầu Sở Xây dựng và huyện Côn Đảo xác định lại đơn giá xử lý rác tại chỗ và đơn giá khi vận chuyển rác thải từ Côn Đảo về đất liền để xử lý. Từ đó, có cơ sở so sánh phương án nào là khả thi, ít tốn kém nhất để báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh. Song song đó, UBND tỉnh cũng giao huyện Côn Đảo tham mưu UBND tỉnh vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, từ năm 2017 đến nay, qua rà soát, Sở đã xác định hàng chục “điểm nóng” về ONMT nghiêm trọng. Trong số đó, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu); khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền); khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ)… được Sở TN-MT xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục trong giai đoạn 2018-2020. Trước đó, những khu vực này đã có đề án khắc phục ô nhiễm riêng, nhưng hàng chục năm qua vẫn chưa được triển khai khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo ông Hải, nguyên nhân chính là do chưa có kinh phí. Bên cạnh đó, việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào khu chăn nuôi tập trung, di dời các cơ sở chế biến hải sản vào khu chế biến hải sản tập trung chưa thực hiện được bởi các khu sản xuất tập trung này chưa hoàn thành. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, DN và người dân về BVMT còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở các “điểm nóng” ngày càng “nóng” hơn.

NĂM 2019 TẬP TRUNG XỬ LÝ 6 “ĐIỂM NÓNG”

Một trong những chủ trương quan trọng nhất của tỉnh là BVMT phải gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế theo hướng bền vững; thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, kiên quyết không thu hút các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, nguy cơ ONMT. Để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ONMT tại các “điểm nóng”, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23-3-2018 về công tác quản lý, BVMT. Trong đó, năm 2019, tỉnh đã xác định ưu tiên xử lý 6 “điểm nóng” bao gồm: Bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt; hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo; hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II; hoạt động chế biến hải sản khu vực Cửa Lấp; hoạt động chế biến hải sản khu vực Tân Hải.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:
Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng ONMT 

Qua đợt khảo sát có thể nhận thấy, tình trạng ONMT vẫn còn chậm được khắc phục, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thêm các nguồn lực để bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh. Bên cạnh đó, để thực hiện được điều này đòi hỏi chính quyền, người dân và DN trên địa bàn tỉnh phải chung tay và hợp tác chặt chẽ với nhau.

Với những dự án mới, yêu cầu hàng đầu là phải đảm bảo yếu tố môi trường, DN nào đang triển khai dự án nếu không tuân thủ thì nhắc nhở và kiểm soát. Còn với trách nhiệm địa phương từ xã, phường đến tỉnh phải ý thức được vấn đề ONMT là rất nghiêm trọng. Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng ONMT, với những điểm nóng mới phát sinh phải phát hiện và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, không để kéo dài. Ngoài ra, ngành TN-MT nhanh chóng đưa ra các giải pháp thật sự hiệu quả để xử lý ô nhiễm; tăng cường công tác hậu kiểm. Các địa phương tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức người dân về công tác bảo vệ môi trường.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để thực hiện kế hoạch này, cần có sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, tỉnh cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần siết chặt việc cấp phép cho các dự án chăn nuôi, đặc biệt là những dự án chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến các hồ cấp nước sinh hoạt… Về hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II, Sở TN-MT đề xuất thành lập và triển khai hoạt động các tổ tự quản về BVMT để việc giám sát được chặt chẽ hơn; yêu cầu các nhà máy phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường… Các sở, ngành, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra sự cố, gây ONMT đối với các nhiệm vụ được giao quản lý và thực hiện.

Cũng theo Sở TN-MT, tháng 3-2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án xử lý ONMT tỉnh giai đoạn 2017-2020” với tổng kinh phí khoảng hơn 8.255 tỷ đồng. Trong đó, 10 “điểm nóng” nằm trong tổng số 19 dự án của đề án sẽ được ưu tiên quan tâm triển khai. Với những giải pháp trên, hy vọng thời gian tới, các “điểm nóng” về ONMT sẽ dần được cải thiện, giúp BR-VT đi đúng trong định hướng phát triển bền vững. 

QUANG VŨ – PHÚ XUÂN

;
.