HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:

Bám sát thực tế để triển khai hiệu quả

Thứ Hai, 03/06/2019, 18:12 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn II (2016-2020), đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn tồn tại một số khó khăn.

Nhờ được hỗ trợ con giống, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc đã khấm khá hơn. Trong ảnh:  Chăm sóc dê tại gia đình ông Dương Văn Trắng, dân tộc Châu Ro, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ. Ảnh:  BÙI HƯƠNG
Nhờ được hỗ trợ con giống, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc đã khấm khá hơn. Trong ảnh: Chăm sóc dê tại gia đình ông Dương Văn Trắng, dân tộc Châu Ro, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ. Ảnh: BÙI HƯƠNG

HƠN 135 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

BR-VT đã dành hơn 135 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2018 để thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, điện, nước, văn hóa giáo dục, phát triển sản xuất, giúp đồng bào DTTS từng bước cải thiện đời sống. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS giảm đáng kể, từ 1.467 hộ xuống còn 685 hộ.

Gia đình ông Thạch Nghĩa (dân tộc Khmer, ở ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp) là một trong số hộ nghèo chuẩn tỉnh đã được hỗ trợ về nhà ở, có chỗ an cư lạc nghiệp để thoát nghèo. Trước đây, gia đình ông Nghĩa sống trong căn nhà mái tôn lụp xụp. Năm 2017, được Ban Dân tộc tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng để xây nhà, lắp điện sinh hoạt. “Có nhà mới, lại có điện thắp sáng, gia đình tôi không phải dùng nhờ điện của hàng xóm như trước đây. Từ đó, vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, điều kiện kinh tế ổn định hơn”, ông Nghĩa nói.

Bà Lê Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc, một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS đông nhất trên địa bàn tỉnh với 1.898 hộ cho biết,  sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay, 98,1% hộ DTTS đã có nhà ở bán kiên cố trở lên. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, nhà văn hóa, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS có sự thay đổi rõ rệt. Số hộ nghèo DTTS của huyện chỉ còn 196 hộ.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ con giống giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tại TX. Phú Mỹ, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã hỗ trợ bò, dê giống cho 117 hộ DTTS. Năm 2018, gia đình ông Dương Văn Tốt (dân tộc Châu Ro, khu phố 1, phường Hắc Dịch) được hỗ trợ 1 con bò giống. Cùng với 6 con bò của gia đình, đến nay gia đình ông đã có “của ăn của để”, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh khảo sát đường giao thông nông thôn tại ấp Sông Xoài 2 (xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ).
Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh khảo sát đường giao thông nông thôn tại ấp Sông Xoài 2 (xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ).

CẦN KHẢO SÁT KỸ ĐỂ HỖ TRỢ PHÙ HỢP

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đề án, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Đất Đỏ, trong 2 năm 2017 và 2018, trên địa bàn huyện chỉ có 32/160 hộ DTTS nghèo, khó khăn được hỗ trợ bò, dê giống (đạt 20% so với chỉ tiêu đề án). Theo báo cáo của UBND huyện Đất Đỏ, năm 2017, bò giống do Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ chủ yếu là giống bò Úc và bò lai, trong khi đó hầu hết các hộ DTTS không có kinh nghiệm nuôi giống bò này. Do đó, có 8 con bò giống bị bệnh, chết hoặc không phát triển nên người dân đã bán bò để mua lại giống bò ta.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu và yếu về nhân sự là khó khăn chung của các địa phương trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS. Nguyên nhân do đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các xã, thị trấn kiêm nhiệm, thường xuyên chuyển đổi công tác, chưa nắm bắt kịp thời tình hình dân tộc trên địa bàn, từ đó, công tác tham mưu xử lý các vấn đề liên quan còn hạn chế.

Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh khảo sát tình hình chăn nuôi bò giống của gia đình ông Dương Văn Tốt (dân tộc Châu Ro, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) tháng 4-2019.
Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh khảo sát tình hình chăn nuôi bò giống của gia đình ông Dương Văn Tốt (dân tộc Châu Ro, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) tháng 4-2019.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh cho biết, một số hộ đồng bào DTTS là hộ nghèo không có nhà ở nhưng không thể đưa vào đề án để hỗ trợ do không có đất ở, hoặc đất nằm trong vùng quy hoạch. Chính sách bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS khó thực hiện do quỹ đất của các địa phương không còn. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 1.038 hộ thiếu đất ở, 1.526 hộ thiếu đất sản xuất. Một số địa phương như TX.Phú Mỹ, huyện Châu Đức, Long Điền đã có kế hoạch bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS khó khăn nhưng đến nay chưa được thực hiện. Trong khi đó, một số hộ đồng bào có điều kiện thuận lợi hơn, khi xây dựng nhà có vốn đối ứng lớn (200-300 triệu đồng) thì được đưa vào đề án để hỗ trợ.

Trong 3 năm (2016-2018), Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào DTTS đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 340 hộ, xây nhà vệ sinh cho 510 hộ; lắp đặt điện sinh hoạt cho 340 hộ, nước sinh hoạt cho 607 hộ; hỗ trợ SGK cho hơn 16.700 lượt HS, hỗ trợ bò, dê giống cho 696 hộ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 28 DTTS (chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh) với 7.434 hộ, 31.722 nhân khẩu (bao gồm cả người nước ngoài). Trong đó, 98,1% hộ DTTS có nhà ở từ bán kiên cố trở lên, 80% hộ có hố xí hợp vệ sinh; 99,67% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 99,8% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bà Đinh Thị Trúc My, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, đối với hộ dân không có đất sản xuất, không có đất ở hoặc có đất nhưng là đất nông nghiệp, đất nằm trong diện quy hoạch thì huyện giao UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án sắp xếp lại dân cư gắn với bố trí đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, quy hoạch định hướng phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện ở từng xã, thị trấn để người dân trồng trọt, chăn nuôi đáp ứng được nhu cầu của thị trường và theo định hướng phát triển của địa phương nhằm tăng thu nhập.

Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn II (2016-2020) có tổng kinh phí hơn 274 tỷ đồng. Đề án hướng đến các mục tiêu: Hỗ trợ xây mới 626 căn nhà ở, 937 nhà vệ sinh; lắp điện sinh hoạt cho 500 hộ; lắp nước máy cho 1.040 hộ hiện đang thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ dê, bò sinh sản cho 1.200 hộ; hỗ trợ tập vở, SGK cho 26.550 HS dân tộc; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho khoảng 8.000 lượt đồng bào DTTS...

Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, trong thời gian tới, cần xây dựng các khu tái định canh, định cư cho đồng bào DTTS không có đất sản xuất và đất ở tại chỗ, đồng thời tháo gỡ khó khăn đối với những hộ có đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm có địa chỉ, ngành nghề cụ thể, đưa chương trình đào tạo nghề vào trường Phổ thông dân tộc nội trú, giúp HS DTTS tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào DTTS theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân phát triển sản xuất hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

;
.