Lượng rác thải ở Côn Đảo tăng nhanh

Chủ Nhật, 16/06/2019, 16:27 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, lượng rác thải gia tăng trong khi chờ phương án xử  lý đã khiến Côn Đảo đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội huyện đảo.

Lò đốt rác ở huyện Côn Đảo hiện chỉ đốt được 5 tấn/ngày nên lượng rác thải phát sinh trên địa bàn chưa được xử lý ngày một nhiều thêm.
Lò đốt rác ở huyện Côn Đảo hiện chỉ đốt được 5 tấn/ngày nên lượng rác thải phát sinh trên địa bàn chưa được xử lý ngày một nhiều thêm.

LƯỢNG RÁC THẢI TĂNG NHANH

Ông Phạm Hiếu Tặng, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch, Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo phát sinh khoảng 15 tấn rác thải sinh hoạt. Nhưng khoảng 5 tháng nay, lượng rác thải sinh hoạt trên đảo đã tăng lên 22,5 tấn/ngày (tăng 37,5%). Do đó, để bảo đảm lượng rác thải không ứ đọng trong khu dân cư, Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo phải tăng từ 4 chuyến xe chuyên dụng vận chuyển rác về bãi tập kết lên 7 chuyến mỗi ngày. Theo ông Tặng, nguyên nhân lượng rác thải tăng là do lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng đột biến (tăng khoảng 50% so với thời điểm trước khi có 2 tuyến tàu cao tốc Sóc Trăng - Côn Đảo và Vũng Tàu - Côn Đảo).

Ngoài lượng rác thải sinh hoạt từ đảo trung tâm, hàng năm huyện Côn Đảo còn phải hứng chịu hơn 900 tấn rác từ đại dương dạt vào bờ biển và các đảo nhỏ. Trong đó, khoảng 100 tấn rác thải là dầu cặn. Các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là bãi Bờ Đập, bãi Dương (hòn Bảy Cạnh); bãi Cát Lớn (hòn Bà); bãi Đầm Trầu, khu vực cuối tuyến bến Đầm, trước vịnh Côn Sơn; bãi Vong; bãi Suối Ớt (hòn Côn Sơn). Rác đại dương gồm đủ các loại vỏ chai nhựa, chai sứ, túi ni lông, lưới đánh cá, giày dép, phao theo dòng nước dạt vào. 

Bãi rác ở suối Nhật Bổn đã quá tải, không những gây mùi hôi mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Bãi rác ở suối Nhật Bổn đã quá tải, không những gây mùi hôi mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Anh Bùi Quang Khải, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bãi Dương (hòn Bảy Cạnh) thông tin, tại các hòn khác, rác chỉ tập trung vào mùa gió chướng (gió Đông Bắc, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau). Riêng ở hòn Bảy Cạnh, đến mùa gió chướng, rác dạt vào bãi Bờ Đập, rồi từ tháng 4 đến tháng 9 năm sau (gió Tây Nam) lại tấp vào bãi Cát Lớn. Khi thủy triều lên, rác trôi sâu vào rừng ngập mặn, rồi mắc kẹt bởi rễ, cành cây, không thể thoát ra ngoài theo con nước. Lực lượng kiểm lâm tiến hành thu gom nhưng không xuể. 

NGUY CƠ Ô NHIỄM CAO

Theo Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, thời gian qua, UBND huyện Côn Đảo đã giao Ban Quản lý các công trình công cộng huyện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đơn vị này còn thu gom, vận chuyển rác thải trên đoạn bờ biển 8km ở các khu vực: Mũi Lò Vôi, bãi Đầm Trầu, bãi Vông - Suối Ớt và Bến Đầm. Lượng rác trên sau khi thu gom được đưa đến bãi rác suối Nhật Bổn chờ xử lý. Năm 2017, đơn vị xử lý ở huyện Côn Đảo đã đưa lò đốt rác vào hoạt động với công suất 150-500kg rác/giờ, trung bình mỗi ngày tiêu hủy 5 tấn. Với công suất của lò đốt hiện tại, mỗi ngày vẫn còn 17,5 tấn rác chưa được xử lý. Đến thời điểm này, lượng rác thải tồn đọng tại suối Nhật Bổn từ hơn 20 năm qua là hơn 70 ngàn tấn, khiến Côn Đảo đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc xử lý rác thải ở suối Nhật Bổn nhiều năm qua là vấn đề cấp bách đối với huyện Côn Đảo. Các cơ quan chức năng đã từng đưa ra các phương án xử lý: Đưa rác từ Côn Đảo về đất liền xử lý; đầu tư nhà máy đốt rác tại Côn Đảo hoặc ép rác thành từng bánh để xử lý ô nhiễm tạm thời cho khu vực Bãi Nhát, sau đó đốt từ từ khoảng 40 tấn/ngày. UBND tỉnh đang yêu cầu Sở Xây dựng và huyện Côn Đảo tính toán lại đơn giá xử lý rác tại chỗ và đơn giá xử lý rác khi vận chuyển từ Côn Đảo về đất liền xử lý để lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Thời gian qua, huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch như: Không xả rác, túi ni lông, đồ nhựa, rác khó phân hủy xuống biển. Đồng thời phát động phong trào “chống rác thải nhựa”, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại huyện đảo.

(Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo)

Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, trong khi chờ các giải pháp xử lý lượng rác tồn đọng tại bãi tập kết rác suối Nhật Bổn, huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại để xử lý lượng rác phát sinh hàng ngày và lượng rác thải đại dương thu gom được. Trước mắt, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo VQG Côn Đảo phối hợp với các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức nhiều đợt thu gom, xử lý rác tại một số đảo nhỏ thuộc VQG Côn Đảo. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng tổ chức tuần tra, tuyên truyền vận động ngư dân không xả rác xuống biển. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện phải thực hiện đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt” nhằm kiểm soát tốt hơn việc bảo vệ môi trường của người dân địa phương, ngư dân từ nơi khác đến và khách du lịch. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ 

 
;
.