KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀNH DẦU KHÍ THỰC HIỆN Ý NGUYỆN CỦA BÁC HỒ

Khẳng định trụ cột của kinh tế đất nước

Thứ Hai, 22/07/2019, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

60 năm qua, ngành dầu khí đã không ngừng nỗ lực để xây dựng và phát triển hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối. Những thành quả của ngành dầu khí đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam), một trong những công ty con của PVN có đóng góp ngân sách nhà nước lớn trong những năm qua. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn trong giờ sản xuất.
Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam), một trong những công ty con của PVN có đóng góp ngân sách nhà nước lớn trong những năm qua. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn trong giờ sản xuất.

BẢO ĐẢM AN NINH NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai hiệu quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài. Đến nay, PVN đã ký 108 hợp đồng/dự án dầu khí (48 hợp đồng đang có hiệu lực) với các tập đoàn và công ty dầu khí quốc tế dưới nhiều hình thức như: Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC), Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), Hợp đồng điều hành chung (JOC), Liên doanh (JV)… với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ USD. 

Từ những dòng khí đầu tiên được khai thác tại mỏ Tiền Hải C năm 1981, những tấn dầu đầu tiên được khai thác năm 1986 đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 500 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó gần 400 triệu tấn dầu và gần 150 tỷ m3 khí. Ở nước ngoài, PVN tham gia đầu tư vào 9 dự án thăm dò khai thác dầu khí, tập trung ở Liên bang Nga, Algeria, Venezuela, Cuba, Malaysia, Indonesia… Tại Liên bang Nga, Công ty liên doanh Rusvietpetro điều hành dự án khai thác tại khu vực Nhenhexky đang mang lại hiệu quả lớn cho 2 bên.

Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng hơn 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu. Tỷ lệ cạn kiệt trữ lượng dầu khí tính đến nay (được tính bằng sản lượng cộng dồn chia cho tổng trữ lượng thu hồi cuối cùng đã phát hiện) mới đạt 38%. Đặc biệt, tỷ lệ cạn kiệt trữ lượng khí mới đạt 16%. Để tìm kiếm phần trữ lượng chưa phát hiện, PVN cùng các đơn vị liên quan đang triển khai một số giải pháp như: tập trung tận thăm dò quanh các mỏ đang khai thác; nghiên cứu các quan điểm mới để thăm dò lại các bể trầm tích “cũ”, như Sông Hồng, Phú Khánh. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đánh giá tiềm năng các vùng nước sâu, xa bờ.

Theo nhận định của PVN, đến năm 2023, khi các dự án khai thác khí hoàn thành và đi vào hoạt động, nguồn cung khí sẽ được bổ sung hàng chục tỷ m3 mỗi năm, bảo đảm nhiên liệu cho 6-7 nhà máy nhiệt điện khí với công suất 6.000-7.000 KWh.

ĐÓNG GÓP ĐÁNG KỂ VÀO NGÂN SÁCH 

Cùng với việc góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trong những năm qua, PVN cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Trong vài năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm sâu, nhưng khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước của PVN cũng không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2017, PVN nộp ngân sách 97,5 ngàn tỷ đồng, thì năm 2018 PVN nộp 121,3 ngàn tỷ đồng.  

Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được hơn 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ KWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường dầu khí có nhiều biến động nhưng các chỉ tiêu tài chính của PVN như tổng doanh thu, nộp ngân sách đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng đạt 365,5 ngàn tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 55% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 53,5 ngàn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch. 

Những kết quả trên cho thấy, PVN đã và đang có nhiều nỗ lực và đóng góp lớn đối với kinh tế xã hội của đất nước, ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, theo lãnh đạo PVN, để dầu khí thể hiện đúng vai trò là trụ cột của kinh tế đất nước cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Chính phủ, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cho ngành dầu khí nói chung, PVN nói riêng phát triển.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

;
.