Đối phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh

Chủ Nhật, 11/08/2019, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm, type A, chủng H5N6. Như vậy, BR-VT đang cùng lúc phải đối phó với 2 loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây hại lớn: cúm gia cầm và dịch tả heo châu Phi. PV Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lương Trai, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về khả năng ứng phó cùng lúc 2 loại dịch bệnh này.

Lực lượng dân quân hỗ trợ tiêu hủy heo nhiễm bệnh tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức.
Lực lượng dân quân hỗ trợ tiêu hủy heo nhiễm bệnh tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức.

* Thưa ông, loại cúm H5N6 được phát hiện tại Xuyên Mộc nguy hiểm như thế nào?

- Ngày 31/7 và 1/8, cơ quan thú y đã phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc với tổng đàn mắc bệnh và phải tiêu hủy là 10.500 con. Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A, chủng H5N6 gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Dịch bệnh này được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2018, ở Hà Tĩnh và Lạng Sơn. Đối với BR-VT, đây là lần đầu tiên phát hiện loại dịch cúm này.

*  Cơ quan chức năng đã có giải pháp gì ứng phó?

- Dù cúm gia cầm H5N6 lần đầu tiên xuất hiện tại BR-VT, tuy nhiên, BR-VT cũng đã có kinh nghiệm chống dịch cúm gia cầm chủng H5N1. Quy trình xử lý cũng đã được Cục Thú y hướng dẫn kỹ. Vì vậy, ngay khi phát hiện dịch, chúng tôi đã triển khai công tác phòng chống dịch nhanh chóng, đầy đủ theo quy trình có sẵn. Cụ thể, cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã ngay lập tức tiêu hủy gia cầm bệnh; tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch và các vùng chăn nuôi giáp ranh, các khu mua bán, điểm trung chuyển gia cầm; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm, cơ chế lây truyền, các biện pháp phòng dịch để bà con nông dân nắm rõ. Đơn vị thú y đang thực hiện tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi gia cầm tại các địa phương để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch và kịp thời xử lý. Trong khi đó, 75% tổng đàn gia cầm của tỉnh đã được tiêm trong đợt tiêm phòng đầu tiên trong năm vào tháng 3 và tháng 4 năm 2019. Các địa phương cũng đang rà soát tiếp tục tiêm phòng bổ sung trong thời gian tới.

* Vào thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đang lan rộng. Tốc độ lây lan cụ thể ra sao, thưa ông?

- Dịch tả heo châu Phi vẫn đang lan rộng, bùng phát và tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến nay, đã có khoảng 40 địa phương cấp xã của 7 huyện, thị, thành phát hiện ổ dịch. Gần 5 ngàn con heo đã bị tiêu hủy. Tỷ lệ heo mắc bệnh/tổng đàn không quá lớn (hơn 1%), nhưng cũng đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Cùng với đó, tỉnh đã ghi nhận trang trại chăn nuôi có quy mô lớn đầu tiên có heo nhiễm bệnh tại thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ với quy mô khoảng 700 con. 

Lực lượng dân quân vận chuyển heo đi tiêu hủy tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH
Lực lượng dân quân vận chuyển heo đi tiêu hủy tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH

* Như vậy, tỉnh đang cùng lúc đối phó với 2 loại dịch bệnh nguy hiểm. Nguồn lực của tỉnh có đáp ứng được cho công tác phòng, chống dịch không, thưa ông?

 - Toàn ngành thú y, các địa phương đang dốc toàn lực để phòng, chống dịch tả heo châu Phi, vì vậy, việc xuất hiện thêm dịch cúm gia cầm H5N6 gây thêm khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, cơ quan thú y và các địa phương đã có phương án về vật lực, nhân lực để ứng phó cùng lúc với các loại dịch bệnh. Thời gian tới, khi dịch tả lan rộng, cộng với việc nếu có thêm các ổ dịch cúm gia cầm, sẽ có thể huy động thêm lực lượng quân đội chuyên nghiệp để hỗ trợ phòng chống dịch. Cũng cần nói thêm rằng, cúm H5N6 tuy mới phát hiện nhưng vắc xin phòng cúm H5N1 cũng có tác dụng với loại vi rút này nên tình hình cũng đỡ phức tạp. Ngành thú y và các địa phương đang huy động toàn lực để phòng, chống dịch tả heo châu Phi, dịch cúm gia cầm.

* Xin cảm ơn ông!

QUANG VINH

(thực hiện)

;
.