Chủ động lực lượng cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố

Thứ Năm, 19/09/2019, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, do tác động biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, khí tượng, diễn biến phức tạp, khó lường. Các hiện tượng mưa, lũ, triều cường, sự cố cháy, nổ, tai nạn trên biển ngày càng gia tăng, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước diễn biến này, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra nhằm khắc phục kịp thời, giảm thiểu hậu quả do thiên tai và sự cố bất ngờ gây ra.

Lực lượng Biên phòng tỉnh tiếp cận một tàu cá để tuyên truyền quy định pháp luật, cách thức tránh trú bão trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.
Lực lượng Biên phòng tỉnh tiếp cận một tàu cá để tuyên truyền quy định pháp luật, cách thức tránh trú bão trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.

THỰC HIỆN 4 TẠI CHỖ, 3 SẴN SÀNG

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, ứng cứu sự cố cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn trong đất liền, trên biển luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng phối hợp triển khai theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Nhờ vậy, đã phòng ngừa, ứng phó kịp thời nhiều trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, tính mạng, sức khỏe con người và khắc phục hậu quả về môi trường.

Gần đây nhất, ngày 20/4, do thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp sự bất cẩn của người dân trong sinh hoạt đã gây cháy rừng le và cây bụi tại khu phố Hải Điền, TT. Long Hải, huyện Long Điền. Khi phát hiện đám cháy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND huyện phương án xử lý, đồng thời huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng khác tham gia chữa cháy. Đến ngày 23/4, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy không thiệt hại về người, nhưng khoảng 20ha rừng le bị thiêu rụi.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh mang theo can nước tiếp cận hiện trường để dập tắt vụ cháy rừng le và cây bụi tại khu phố Hải Điền, TT. Long Hải, huyện Long Điền vào tháng 4/2019.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh mang theo can nước tiếp cận hiện trường để dập tắt vụ cháy rừng le và cây bụi tại khu phố Hải Điền, TT. Long Hải, huyện Long Điền vào tháng 4/2019.

Trước đó, ngày 20/1, khi đang đánh bắt hải sản tại khu vực cách mũi Vũng Tàu khoảng 23 hải lý về hướng Đông Đông Nam, 4 thuyền viên trên tàu BV 99986 TS đã bị bất tỉnh do bị ngạt khí độc trong hầm cá. Sau khi tiếp nhận thông tin yêu cầu cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (PHTKCN) Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm PHTKCN Hàng hải khu vực III (TP.Vũng Tàu) yêu cầu Đài Thông tin duyên hải Hồ Chí Minh Radio kết nối bác sĩ hỗ trợ y tế cho thuyền viên bị nạn. Đồng thời, Trung tâm PHTKCN hàng hải Việt Nam điều động tàu cứu nạn SAR 413 ra hiện trường cứu nạn khẩn cấp. Khi tàu SAR 413 tiếp cận tàu cá, 2 thuyền viên đã tử vong, 2 thuyền viên còn lại nhanh chóng được đưa vào bờ và chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện. Nhờ cứu nạn kịp thời, 2 thuyền viên này nhanh chóng hồi phục sức khoẻ.

TÍCH CỰC PHÒNG NGỪA

Trên địa bàn tỉnh hiện có 63 công trình thủy lợi, trong đó có các hồ chứa nước lớn như hồ Sông Ray (địa bàn huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc) với dung tích chứa khoảng 215 triệu m3 nước; hồ Đá Đen (huyện Châu Đức và TX. Phú Mỹ) có dung tích chứa khoảng 33 triệu m3 nước; ngoài ra, còn có khoảng 15 hồ loại vừa và nhỏ với dung tích mỗi hồ từ vài triệu đến chục triệu m3 nước.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để chủ động và bảo đảm tốt các đê điều, hồ đập, công trình xung yếu đặc biệt vào mùa mưa bão, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục thuỷ lợi, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra thực địa, rà soát các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường theo dõi mực nước tại các hồ thủy lợi để chủ động điều tiết phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du. Đặc biệt, trước khi xả lũ phải thông báo trước cho các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh.

Từ năm 2016 đến nay, khu vực tỉnh BR-VT bị ảnh hưởng trực tiếp bởi 2 cơn bão mạnh, 3 đợt áp thấp nhiệt đới và 21 đợt triều cường cao. Trên bờ xảy ra 37 vụ thiên tai, sự cố cháy nổ, làm chết 18 người, 10 người bị thương, thiệt hại 101ha rừng trồng và rừng phòng hộ, 1 máy bay (bị rơi ở khu vực núi Dinh năm 2016), 7 tàu cá bị cháy khi neo đậu tại bến, 1 sự cố tràn dầu vón cục tại bờ biển huyện Côn Đảo. Trên vùng biển xảy ra 494 vụ tai nạn, sự cố thiên tai làm 189 người chết, 182 người mất tích, 83 người bị thương, 103 phương tiện bị chìm, 52 phương tiện hư hỏng, 2 phương tiện bị cháy.

Trước tình hình bão, áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp, Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, lực lượng Biên phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện, thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo quản phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho ngư dân nhằm tự bảo vệ khi đánh bắt hải sản trên biển. “Đồng thời, các đơn vị Biên phòng thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, kịp thời hướng dẫn tàu thuyền và chủ phương tiện di chuyển tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm soát, quản lý chặt chẽ người và phương tiện hoạt động trên biển; sắp xếp phương tiện neo đậu tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới an toàn tại các bãi, bến cảng; kiên quyết không cho tàu ghe xuất bến đối với những trường hợp không đủ giấy tờ theo quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Đại tá Đào Quang Hiển nhấn mạnh.

Theo Đại tá Thái Văn Điền, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng dự báo tình hình từ sớm, từ xa; phát huy tốt vai trò nòng cốt của các đơn vị LLVT tại địa phương trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi truờng, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. “Đồng thời, LLVT tỉnh luôn gắn việc xây dựng các công trình phòng thủ với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với huấn luyện cứu hộ, cứu nạn và diễn tập ứng phó sát tình huống có thể xảy ra trên thực tế”, Đại tá Thái Văn Điền cho hay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.