Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành (DDCI): Thúc đẩy gia tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Sáu, 11/10/2019, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 11/10, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, huyện, thị, thành phố (DDCI). DDCI được xem là một trong những giải pháp đột phá để thúc đẩy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

DDCI có thể coi là cụ thể hóa của chỉ số năng lực cạnh tranh. Xây dựng thành công DDCI có thể thúc đẩy chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh có những đột phá. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Đất Đỏ.
DDCI có thể coi là cụ thể hóa của chỉ số năng lực cạnh tranh. Xây dựng thành công DDCI có thể thúc đẩy chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh có những đột phá. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Đất Đỏ.

Trao đổi tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Việt Nam, Giám đốc dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho rằng, hiện nay vấn đề quản trị công ở cấp cơ sở còn thấp, thiếu công cụ giám sát, đo lường sự hài lòng của người thụ hưởng dịch vụ và tiếp nhận thông tin phản hồi… DDCI sẽ phần nào đó khắc phục được điều này. Đến nay, 28 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai DDCI. Đánh giá ban đầu cho thấy, DDCI đã tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ngành và huyện, thị, thành phố; cung cấp công cụ hữu ích cho lãnh đạo tỉnh, thành phố trong chỉ đạo, điều hành. Khảo sát DDCI dựa trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã... nên cũng là kênh hữu hiệu cho cộng đồng DN phản ánh đến chính quyền điều họ muốn nói.

Việc triển khai đánh giá theo chỉ số DDCI sẽ tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu). Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Việc triển khai đánh giá theo chỉ số DDCI sẽ tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu). Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện bộ chỉ số DDCI tại Bắc Ninh, TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, khi triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI tại Bắc Ninh năm 2016, Viện tập trung thu thập ý kiến của DN đối với chất lượng điều hành của các sở, ngành theo 7 tiêu chí thành phần liên quan tới môi trường kinh doanh. Đó là tiếp cận thông tin, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Đây cũng là những nội dung tham chiếu từ phiếu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Kết quả triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng điều hành của các sở, ngành; duy trì chỉ số PCI của Bắc Ninh trong nhóm những tỉnh tốt nhất, là tỉnh có kết quả môi trường kinh doanh ít biến động.

Có thể triển khai vào năm 2020

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, trong những năm qua, BR-VT đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành cùng DN, đặc biệt là không ngừng cải thiện chỉ số PCI. Việc xây dựng DDCI sẽ tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành, tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt và đồng bộ ở các cấp sở, ngành và địa phương, tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để các nhà đầu tư, các DN tham gia đóng góp ý kiến. Tỉnh sẽ có các bước chuẩn bị để triển khai xây dựng DDCI trong năm 2020.

Nêu ý kiến tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, DDCI được coi là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao PCI. Mục tiêu tổng thể của việc triển khai DDCI là thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, huyện, thị xã tại mỗi tỉnh, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương. DDCI xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền các địa phương đối với cộng đồng DN. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch BNI Đông Nam bộ cho rằng, việc triển khai thực hiện DDCI trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Vì thông qua đó, thực hiện được mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, xây dựng được công cụ, chính sách giám sát và xác định được những mặt được, mặt còn hạn chế để cải thiện, điều chỉnh. 

Gian hàng trưng bày sản phẩm tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào ngày 17/10. Ảnh: THIÊN MAI
Gian hàng trưng bày sản phẩm tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào ngày 17/10. Ảnh: THIÊN MAI

Trong khi đó, theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, DDCI là bộ chỉ số quan trọng nhằm đánh giá lại sự sẵn sàng của tất cả các sở, ban, ngành, các địa phương trong việc hỗ trợ DN và phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu áp dụng DDCI thì phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ và giao VCCI chủ trì đánh giá bộ chỉ số này, mời đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện. Đồng thời cũng cần duy trì thường xuyên để đánh giá sự tiến bộ của các sở, ngành, địa phương, sự cảm nhận của DN và có được bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. Cần có một thước đo cụ thể nhất việc phục vụ của các sở, ban, ngành, địa phương đối với việc này.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.