Xây dựng nông thôn mới: "Khó vạn lần, dân liệu cũng xong"

Thứ Sáu, 11/10/2019, 20:59 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 11/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. Nhiều ý kiến tại hội nghị đánh giá, chương trình NTM không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn cho thấy rõ sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân khi chung tay thực hiện các nhiệm vụ về đời sống kinh tế - xã hội.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Ảnh: PHÚ XUÂN
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Ảnh: PHÚ XUÂN

HUY ĐỘNG ĐƯỢC NGUỒN LỰC TOÀN DÂN

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong 10 năm qua, chương trình NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật. Có những thành công này đó là nhờ đã huy động được nguồn lực từ DN, nhân dân. Theo thống kê, trong giai đoạn 2010 đến nay, nhân dân đã đóng góp 1.782 tỷ đồng, góp nguồn lực quan trọng vào chương trình xây dựng NTM tại các địa phương.

Ông Kiều Trung Thứ, thôn Suối Tre, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ là một trong những hộ dân tiêu biểu đã hiến 1.000m2 đất làm đường NTM. Ông Thứ cho biết, năm 2011, xã Châu Pha tiến hành xây dựng NTM. Sau khi được các cấp chức năng tuyên truyền, tôi nhận thấy chương trình rất thiết thực và mang lại nhiều lợi ích. Ở thời điểm đó, đường sá trong thôn đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp và bị chia cắt, ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của bà con trong xã. Ông Thứ cho biết: “Do đó, tôi cùng một số hộ dân khác đã hiến đất và cây hoa màu trên địa bàn để góp sức cùng chính quyền xây dựng các tuyến đường liên thôn. Đến nay, việc đi lại của tôi và nhiều người dân đã hết sức thuận tiện, dễ dàng nên giảm được chi phí vận chuyển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Châu Pha đã được nâng cao đáng kể”.

Thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng tại xã nông thôn mới Long Mỹ, huyện Đất Đỏ. Ảnh: QUANG VŨ
Thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng tại xã nông thôn mới Long Mỹ, huyện Đất Đỏ. Ảnh: QUANG VŨ

Ngoài huy động sức dân, các tổ chức đoàn thể, xã hội trong tỉnh cũng trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp vai trò quan trọng vào những thành tựu của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, trong 10 năm qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng và tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, nhiều người dân đã đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình công cộng gắn với các tiêu chí NTM. Cụ thể, số tiền vận động được người dân hỗ trợ xây dựng NTM là hơn 533 tỷ đồng, số ngày công đóng góp là gần 79.000 ngày. Diện tích đất được bà con hiến tặng là hơn 111,56ha.

DỰA VÀO THỰC TẾ ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM. Có ít nhất 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 100% số huyện đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Đất Đỏ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Long Điền là huyện NTM trong quá trình đô thị hóa. 100% các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Để đạt được kết quả này, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp mà Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã đặt ra, đại diện một số địa phương, sở, ngành cũng hiến kế, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo mà các địa phương đã triển khai để đạt hiệu quả cao trong chương trình xây dựng NTM thời gian qua.

Theo ông Trần Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa, một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM là nguồn vốn. Những năm qua, TP.Bà Rịa đã chủ động bố trí đầu tư, linh hoạt trong việc huy động đa dạng nguồn lực xã hội hóa. Việc huy động nguồn kinh phí đa dạng, bảo đảm cho việc triển khai các dự án và chương trình trong kế hoạch xây dựng NTM. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng, tập trung cho các công trình do ấp và cộng đồng dân cư quản lý; Tổ chức thực hiện, tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có phù hợp với tiêu chí NTM. Ngoài ra, địa phương còn chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; Tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia kiểm tra và thực hiện quy hoạch xây dựng…

Bên cạnh việc hiến kế, chia sẻ cách làm hay, nhiều địa phương, đơn vị cũng đã đưa ra giải pháp nhằm đạt được mục tiêu về xây dựng NTM trong thời gian tới. Theo lãnh đạo UBND huyện Đất Đỏ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản…

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Giải pháp đề ra phải đồng bộ, sát thực tế

10 năm vừa qua, BR-VT đã có những bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến những hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn đã đổi thay mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi giải pháp đồng bộ, sát thực tế. Cụ thể, cần xác định gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, chú trọng thu hút DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu nông, lâm sản và thủy sản. Tỉnh sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trong khi đó, huyện Long Điền lại đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đẩy mạnh khai thác nuôi, trồng, chế biến và bảo quản hải sản, đầu tư nâng cấp các cơ sở hậu cần và dịch vụ nghề cá. Từng bước hoàn thiện cải tạo hệ thống chợ truyền thống, kêu gọi XHH 1 chợ tại khu vực trung tâm, hình thành các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi đối với các mặt hàng đặc trưng lợi thế của huyện nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

PHAN HÀ- QUANG VINH

;
.