Tăng liên kết xây dựng "cánh đồng lớn"

Thứ Sáu, 08/11/2019, 21:17 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, nhiều DN, nông dân trên địa bàn tỉnh đã liên kết, phát triển sản xuất theo hình thức “cánh đồng lớn” và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mối liên kết vẫn chưa bền vững. Do đó, trong thời gian tới, cần thêm nhiều biện pháp để “cánh đồng lớn” mang lại hiệu quả cao hơn.

Bưởi da xanh xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ cũng đã hình thành vùng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh.  Trong ảnh: Chăm sóc bưởi da xanh tại vườn anh Dương Văn Bình, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ.
Bưởi da xanh xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ cũng đã hình thành vùng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Chăm sóc bưởi da xanh tại vườn anh Dương Văn Bình, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ.

Manh nha một số mô hình

Theo Chi cục Chi cục Trồng trọt và BVTV, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa DN, nông dân trong sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản chất lượng cao. Mô hình sản xuất ca cao của HTX Thương mại -  Dịch vụ Nông nghiệp Xà Bang, và Công ty TNHH Thương mại -  Dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) là một ví dụ điển hình. DN này đã liên kết khoảng 220 hộ nông dân với tổng diện tích 125ha ca cao. Ông Nguyễn Văn Long, nông dân tham gia mô hình liên kết này cho biết: “Chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của DN hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây. Sau đó, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thấp nhất là 5 ngàn đồng/kg trái tươi hoặc 60 ngàn đồng/kg hạt khô. Khi giá lên, sản phẩm sẽ được thu mua với giá thị trường nên bảo đảm lợi nhuận sẽ trên mức 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ ổn định về đầu ra, chúng tôi yên tâm theo đuổi cây ca cao”.    

Cây hồ tiêu là loại cây được xây dựng thành công, hiệu quả trên địa bàn tỉnh với diện tích hơn 1.200ha.  Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Văn Long, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.
Cây hồ tiêu là loại cây được xây dựng thành công, hiệu quả trên địa bàn tỉnh với diện tích hơn 1.200ha. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Văn Long, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.

Hồ tiêu là loại cây trồng có diện tích sản xuất cánh đồng lớn cao nhất tại BR-VT, với diện tích hơn 1,2 ngàn ha, thuộc mô hình của Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam liên kết với gần 1.000 nông dân tại 2 huyện Xuyên Mộc, Châu Đức. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam cho biết, tham gia mô hình liên kết, bà con nông dân được các chuyên gia hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu, hướng dẫn ghi chép lịch sử dụng thuốc, phương pháp quản lý dịch hại theo tiêu chuẩn SAN, GlobalGAP. “Sau đó, sản phẩm của bà con được DN cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đối với sản phẩm chất lượng vượt trội, đủ điều kiện xuất khẩu, DN thưởng thêm cho nông dân 4.000 đồng/kg. Vừa qua, đã có hơn 750 nông hộ vượt qua được kỳ đánh giá chứng nhận chính thức trong năm. Từ đó, công ty đã thu mua được hơn 600 tấn hồ tiêu sạch với giá cao hơn so với giá trị trường”, bà Dung thông tin thêm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn một số mô hình liên kết sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn khác như mô hình trồng chuối xuất khẩu của Công ty Thiện Hoa, mô hình trồng lúa sạch của DN tư nhân Thịnh Thành… Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.727ha các loại cây trồng như hồ tiêu, lúa, cây ăn trái, rau các loại được thực hiện theo mô hình liên kết cánh đồng lớn. Các mô hình này bước đầu đạt hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, đồng thời giúp DN chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao.

Cần sự hỗ trợ để liên kết lâu dài, bài bản

Để xây dựng thành công các cánh đồng lớn, trong thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh kiện toàn HTX; thúc đẩy việc dồn điền, đổi thửa tạo diện tích lớn để tổ chức sản xuất; tăng cường tập huấn những giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tổ chức các lớp tập huấn, nhằm hướng dẫn khuyến khích nông dân tham gia dự án sản xuất đạt chứng nhận hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn khác đáp ứng yêu cầu của thị trường… Mặt khác, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT đang thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như mời gọi DN tham gia các dự án cánh đồng lớn với các chính sách ưu đãi; Khuyến khích DN đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến, kho chứa có công suất lớn; Hỗ trợ các DN tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm…

Lúa là một trong những loại nông sản chủ lực, được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Ảnh: QUANG VINH
Lúa là một trong những loại nông sản chủ lực, được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Ảnh: QUANG VINH

Dù đã có một số mô hình đem lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các mối liên kết này vẫn chủ yếu là giữa DN với nông dân, chưa có sự tham gia chặt chẽ của các bên còn lại. Trước hết, nguyên nhân là một số vướng mắc trong chính sách. Cụ thể, ngày 20/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1011/QĐ-UBND phê duyệt chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn cho hồ tiêu và lúa dựa trên Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn. Sau đó, Sở NN-PTNT đã thẩm định chủ trương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các dự án cánh đồng lớn của một số DN, HTX như Bàu Mây, Thịnh Thành… Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 98 về chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, đồng thời bãi bỏ các chính sách thuộc Quyết định 62/2013. Do đó, căn cứ pháp lý của Quyết định 1011 của tỉnh không còn hiệu lực, dẫn đến các dự án đã được thẩm định để hỗ trợ không thể thực hiện. Như vậy, đến nay, các DN và nông dân vẫn đang loay hoay tự liên kết với nhau, sự tác động bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa rõ nét. Nhiều DN, nông dân kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ để phù hợp với xu hướng phát triển cánh đồng lớn. Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng lại để tham mưu tỉnh các chính sách phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ cho các DN, nông dân tham gia liên kết để xây dựng mô hình cánh đồng lớn phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh như hỗ trợ về vốn; các công trình hạ tầng phục vụ liên kết; công tác khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Hiện nay, Sở NN-PTNT đang xây dựng kế hoạch sản xuất cánh đồng lớn trên một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chung là xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, phù hợp quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu là đến năm 2030, diện tích cánh đồng lớn trên cây lúa tăng lên 12.700ha, với sản lượng khoảng 67.700 tấn/năm, chiếm 50% sản phẩm lúa hàng năm; với hồ tiêu tăng lên 4.300ha với sản lượng khoảng 8.160 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng hồ tiêu toàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản phê duyệt một số ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích sản xuất và ưu tiên hỗ trợ trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong đó, ngoài lúa và hồ tiêu còn có 11 loại nông sản thuộc ngành trồng trọt, gồm: Rau các loại, nấm các loại, cây bonsai, hoa các loại, cây dược liệu, nhãn, mãng cầu ta, bưởi da xanh, thanh long, chuối, ca cao.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, sau khi xây dựng được mô hình, DN, nông dân sản xuất cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh cần duy trì tính ổn định của các chuỗi liên kết. Theo ông Nguyễn Chí Đức, thời gian gần đây, giá cả của các loại nông sản có những biến động lớn. Khi giá lên cao, nhiều bà con tự phá vỡ cam kết với DN do lợi nhuận trước mắt. Khi giá xuống thấp, ví dụ như hồ tiêu trong thời gian qua, nhiều bà con nông dân không còn mặn mà trong việc duy trì quy trình đạt chuẩn; đồng thời, khi thị trường tiêu thụ chững lại, giá cả sụt giảm thì một số DN cũng “bẻ kèo”, không thu mua theo đúng cam kết. Điều này khiến người sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, khi đã xây dựng được liên kết, người nông dân và DN phải có chung tiếng nói, đồng cảm để cùng phát triển bền vững. Cùng với đó, trong thời gian tới, cần có chính sách hỗ trợ cho các DN làm cánh đồng lớn tại các vùng nguyên liệu chuyên canh chính, giúp họ xác định thị trường mục tiêu, thu hút khách hàng lớn, xây dựng thương hiệu để ổn định đầu ra cho nông sản BR-VT.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

;
.