.

Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 21:15, 10/04/2020 (GMT+7)

Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về 4 nội dung: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đây được xem như một “hội nghị Diên Hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều lĩnh vực sản xuất, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm.  Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thảo Nguyên (TX. Phú Mỹ).
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều lĩnh vực sản xuất, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm. Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thảo Nguyên (TX. Phú Mỹ).

Tham dự hội nghị tại điểm cầu BR-VT có các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

ƯU TIÊN CHỐNG DỊCH, KỊP THỜI HỖ TRỢ SẢN XUẤT

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng, trúng và triển khai quyết liệt để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian.

Theo đánh giá của Chính phủ, dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn đều bị ảnh hưởng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã có các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, nới lỏng tiền tệ tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích để thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước, qua đó tìm các biện pháp, giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Ngành vận tải hành khách cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách hàng chuẩn bị đi tàu cao tốc ra Côn Đảo trước khi Chính phủ có lệnh ngừng các phương tiện vận tải hành khách.
Ngành vận tải hành khách cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách hàng chuẩn bị đi tàu cao tốc ra Côn Đảo trước khi Chính phủ có lệnh ngừng các phương tiện vận tải hành khách.

XÂY DỰNG KỊCH BẢN PHỤC HỒI KINH TẾ

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, những tháng đầu năm, nhiều DN tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. Các ngành chịu tác động nặng nề là vận tải, da giày, may mặc, tài chính... Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ tăng 3,82%. Đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Ước tính sơ bộ, 19% DN đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên.

Tại BR-VT, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế của tỉnh, nhiều ngành dịch vụ phải ngừng hoạt động, một số ngành sản xuất bị đình trệ, tăng tưởng kinh tế chậm.  

Ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh đối với tỉnh BR-VT là ngành dịch vụ du lịch. Trong quý I/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú chỉ đạt 901 tỷ đồng, giảm 32,5%, số lượt khách lưu trú giảm 36,26%. Doanh thu vận tải, kho bãi giảm 2,85%. Ngoài du lịch, vận tải, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề còn có xuất khẩu nông sản, thủy sản, dịch vụ vận tải và một số nhóm ngành công nghiệp may mặc, giày da… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động để ứng phó với dịch bệnh. Đời sống sinh hoạt của người dân bị xáo trộn.

Trước những khó khăn do dịch bệnh, tỉnh BR-VT kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí lệ phí trong thời gian tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh và 3 tháng sau thời gian mở cửa hoạt động trở lại. Đồng thời triển khai việc thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo quy định. Xem xét mức giảm 30% tổng tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020; đồng thời gia hạn nộp tiền thuê đất sang đầu năm 2021.
UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét giảm lãi suất cơ bản, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu các khoản vay đối với DN thuộc ngành hàng bị tác động do dịch COVID-19 như: Xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày da, du lịch, giáo dục dân lập và tư thục… Giãn thời gian nộp và không tính phí chậm nộp các khoản đóng góp quỹ BHXH, BHTN, BHYT, kinh phí công đoàn cho các DN bị ảnh hưởng cho đến cuối năm 2020.
 (Nguồn: UBND tỉnh)  

Theo đánh giá của UBND tỉnh, dịch bệnh COVID-19 kéo dài dẫn đến nhiều DN thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong quý I có 77 DN tạm ngưng hoạt động. Một số dự án bị chậm tiến độ đưa vào hoạt động do các chuyên gia của nhà thầu chưa quay lại làm việc; giá trị xuất khẩu của nhiều hàng hóa giảm mạnh như: kim loại, hóa chất, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, sản phẩm từ thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… giảm từ 10,52-88,37%.

Ngoài ra, tỉnh BR-VT cũng gặp nhiều khó khăn khi số lao động mất việc, ngừng việc, giảm giờ làm tăng. Trong đó nhiều lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (hợp đồng lao động dưới 3 tháng)… Do học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập có khả năng không cân đối được thu - chi; các khoản vay ngân hàng đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp không trả đúng hạn và có thể phải giải thể.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đã diễn ra ở một số nơi, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, bởi việc chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để ổn định cuộc sống, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ dẫn đến chỉ số âm trong phát triển. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện; chống nguy cơ đầu cơ nâng giá; tìm thị trường mới, biến nguy thành cơ. Sau dịch COVID-19, các cấp, ngành phải làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Riêng Bộ KH-ĐT, Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng phối hợp cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, tổng hợp các khó khăn của DN và đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.

Bài, ảnh: PHAN HÀ - QUANG VŨ

 
.
.
.