Khắc phục điểm yếu để xâm nhập thị trường mới

Thứ Ba, 30/06/2020, 20:21 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ được thực thi từ ngày 1/8/2020. Đây là “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng giúp các DN mở rộng thị trường mới. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi DN phải khắc phục được các điểm yếu trong sản xuất, kinh doanh mới cạnh tranh được trên sân chơi lớn này.

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

DN CHỦ ĐỘNG THAY ĐỔI

Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Binon ca cao (huyện Châu Đức) cho biết, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, để tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Công ty đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn xuất vào thị trường châu Âu như Utz, ISO 22000:2017. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị, chuẩn hóa chất lượng nguồn nguyên liệu để các sản phẩm làm ra đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường nói chung, thị trường châu Âu nói riêng.

Để có chất lượng đầu vào ổn định theo tiêu chuẩn, Công ty liên kết với 195 hộ trồng ca cao với 225ha trên địa bàn huyện Châu Đức và xã Sông Xoài, phường Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) xây dựng quy trình sản xuất đạt chuẩn Utz, bao tiêu và chế biến các sản phẩm tinh chế theo quy trình đạt chuẩn quốc tế. Nhờ đó, mỗi năm công ty xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản 250 tấn hạt ca cao. Hiện DN mạnh dạn chế biến chocolate và liên kết với 2 công ty của Nhật Bản để xuất khẩu mặt hàng này. “Ngay từ ngày đầu thành lập, Công ty Binon ca cao cũng định hướng làm sao đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của BR-VT sang thị trường châu Âu với trách nhiệm và bảo đảm các quy trình nông nghiệp sạch và có truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, khi Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ giúp DN được hưởng các ưu đãi về thuế, qua đó giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh”, ông Trịnh Văn Thành nói.

Khi tham gia vào sân chơi Hiệp định EVFTA dù có nhiều lợi thế nhưng cũng có nhiều thách thức, nhất là các thách thức về hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan như: xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm, dán nhãn năng lượng… Vì vậy, tỉnh đã có nhiều biện pháp như hỗ trợ về xuất xứ hàng hóa theo tiêu chuẩn châu Âu, về môi trường, lao động; phòng vệ thương mại, các điều kiện, quy định ngặt nghèo về hàng hóa, chất lượng để giúp DN có tâm thế vững vàng khi tham gia thị trường này. Tuy nhiên, các DNNVV vẫn cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị một cách toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Khi sản phẩm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU thì khi đó sản phẩm xuất đi mới được hưởng ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, các DN cần tận dụng cơ hội từ phía Chính phủ, trong đó có các gói hỗ trợ của Nhà nước, nhất là vào thời điểm này để chủ động trong hội nhập. 
(Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương)

 

Còn Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) là DN có thâm niên gần 40 năm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, trong đó có nhiều thị trường thuộc khối châu Âu. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, các cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do nói chung, EVFTA nói riêng mang lại là rất lớn. Chẳng hạn, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cộng với Hiệp định CPTPP sẽ tạo sự cộng hưởng theo chiều hướng thuận lợi cho các DN xuất khẩu. Bởi ngay khi Hiệp định được thực thi, thuế suất của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang châu Âu sẽ về 0%, qua đó giúp DN giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. “Từ năm 2019, DN đã đầu tư thêm kho lạnh, máy móc, thiết bị để dự trữ nguồn nguyên liệu, gia tăng sản xuất các sản phẩm tinh chế để tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN cũng phải đổi mới công nghệ, đổi mới công tác quản lý và tuân thủ những quy định trong hợp đồng với các đối tác nước ngoài”, ông Huỳnh Minh Tường nói.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam trong thời gian qua, Hiệp định EVFTA khi thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Đó là DN sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu rộng lớn với hơn 85% số dòng thuế được giảm về 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, các DN còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Sản xuất chocolate tại Công ty CP Binon ca cao (huyện Châu Đức).
Sản xuất chocolate tại Công ty CP Binon ca cao (huyện Châu Đức).

VƯỢT “RÀO CẢN” ĐỂ LÊN “ĐƯỜNG CAO TỐC VỚI EU”

Hiệp định EVFTA thực thi sẽ mở ra cơ hội để hàng hóa của tỉnh hội nhập vào thị trường cao cấp. Tuy nhiên, sân chơi trên thế giới hiện nay đã khác hơn so với trước đây, tức chuyển đổi sang hợp tác thông qua hiệp định mang tính song phương, với tiêu chuẩn cao. Bởi EU là thị trường khó tính, nên các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản, thủy sản hay những quy tắc xuất xứ với các sản phẩm dệt may, da giày… phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các DN trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU” vừa được Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh, VCCI Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức ngày 23/6, các DN đều cho rằng, vướng mắc và khó khăn nhất chính là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Theo chia sẻ của một DN đồ gỗ, nội ngoại thất xuất khẩu, C/O là mảng vất vả nhất khi xuất khẩu sang các thị trường. Bởi có những C/O phải mất một đến hai tháng mới có được. Thậm chí, nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thể thông quan. Hiện, công ty đang xúc tiến sang thị trường EU sản phẩm nội ngoại thất, tuy nhiên, vấn đề liên quan đến giấy C/O rất khó khăn để làm được.

Thạc sĩ Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế Trọng tài VCCI TP. Hồ Chí Minh cho biết, các hàng rào thuế quan và điều kiện phi thuế quan là những điều DN phải vượt qua để được hưởng ưu đãi. Bởi nếu không lấy được C/O thì không có tiền. Đặc biệt là các DN dệt may, da giày không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại. Không chỉ giấy C/O khiến nhiều DN lo ngại, vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng là điều mà nhiều DN quan tâm. Cụ thể, từ khâu thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sẽ phải đồng bộ. Vì vậy, nên áp dụng bằng tem, mã vạch từng khâu một để truy xuất nguồn gốc chuẩn, minh bạch, tạo điều kiện cho DN tận dụng tối đa từ Hiệp định EVFTA”, ông Vũ Xuân Hưng cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt gần 2,1 tỷ USD, đạt 37,5% kế hoạch năm, giảm 1,23% so với cùng kỳ (KH 10,07%). Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô (76,97%), tương đương hơn 1,6 tỷ USD, tăng 16,88%. DN 100% vốn trong nước 483,07 triệu USD, chiếm tỷ trọng 23,03%, giảm 34,93%. Nhóm hàng CN-TTCN vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 92,12% trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô, tương đương hơn 1,93 tỷ USD, tăng trưởng thấp ở mức 0,13% so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.