An toàn điện mùa mưa bão

Thứ Năm, 16/07/2020, 21:30 [GMT+7]
In bài này
.

Vào mùa mưa bão, các sự cố về lưới điện, tai nạn do điện xảy ra thường để lại nhiều hậu quả nặng nề, làm hư hỏng thiết bị, hệ thống truyền tải điện. Để chuẩn bị ứng phó với sự cố điện trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực BR-VT  đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện.

Nhân viên Công ty Điện lực BR-VT kiểm tra hệ thống dây tại khu vực xã Hòa Long, TP. Bà Rịa.
Nhân viên Công ty Điện lực BR-VT kiểm tra hệ thống dây tại khu vực xã Hòa Long, TP. Bà Rịa.

Vào giữa tháng 5 vừa qua đã xảy ra sự cố về điện khiến cả khu vực đồi nhãn, phường 10, TP. Vũng Tàu bị mất điện. Qua kiểm tra Điện lực TP. Vũng Tàu phát hiện nguyên nhân là do mưa to, gió mạnh khiến các dây điện va chạm vào nhau dẫn đến chập điện. Ngay sau khi xác định được sự cố liên quan đến trạm biến áp, Điện lực TP. Vũng Tàu đã cô lập để khắc phục và chuyển mạch sang nhánh khác để đóng điện trở lại cho khu vực này sau 30 phút.

Theo thống kê của Công ty Điện lực BR-VT, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 54 sự cố về điện, chủ yếu xảy ra trong mùa mưa. Có 2 sự cố về điện thường gặp nhất trong mùa mưa bão là sự cố điện do cây cối, công trình kiến trúc bị gió bão quật đổ vào đường dây, cột điện… và sự cố do rò rỉ điện trong nhà, do các thiết bị điện không bảo đảm an toàn.

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết: Vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa thường kèm theo giông, lốc, gây ra nhiều sự cố lưới điện như: gãy đổ trụ điện, sụt lún trụ điện, đứt đường dây, cháy chập, cây gãy đổ vào đường dây điện... Trước mỗi mùa mưa bão, đơn vị tập trung kiểm tra, sửa chữa, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm hành lang an toàn lưới điện, giảm thiểu sự cố khi có mưa bão xảy ra. Các đơn vị trực thuộc công ty còn kiểm tra, xử lý những vị trí cột điện, dây điện chùng, võng nguy hiểm, không đạt tiêu chuẩn quy định về khoảng cách an toàn; phát dọn hành lang, cây cối và xử lý các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến vấn đề cấp điện trên địa bàn. 

Bên cạnh việc thường xuyên rà soát, sửa chữa lưới điện, hàng năm ngành điện còn tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với tình huống cụ thể. Qua tình huống ứng phó thực tế, cán bộ, nhân viên ngành điện rút ra những kinh nghiệm để ứng phó, xử lý khi có thiên tai nhằm khắc phục nhanh những thiệt hại liên quan đến điện, bảo đảm cung cấp điện trở lại cho người dân. 

Cùng với các phương án ứng phó của ngành điện, nhằm bảo đảm an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, Sở Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo Công ty Điện lực BR-VT xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể, triển khai thực hiện công tác phối hợp với địa phương xử lý vi phạm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và sử dụng điện an toàn trong dân. Đồng thời, đề xuất Điện lực BR-VT xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành điện và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về việc phòng tránh những thiệt hại lớn về tài sản do tai nạn điện, đặc biệt là thiệt hại về con người.

Theo khuyến cáo của ngành điện, khi trời đang mưa, người dân không đứng trú tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế (đồng hồ điện), thùng cầu dao…; không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện băng qua và không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời; nên ngắt nguồn điện (cúp cầu dao/CB) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn, ổ cắm điện và các thiết bị điện gia dụng; cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn. Đặc biệt, người dân cần tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ...

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.