TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kỳ 1: Đột phá từ mục tiêu phát triển công nghiệp chất lượng cao

Thứ Năm, 09/07/2020, 19:56 [GMT+7]
In bài này
.

5 năm qua, BR-VT luôn thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc. Nhờ đó, công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, từng bước đưa BR-VT trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Kỳ 1: Đột phá từ mục tiêu phát triển công nghiệp chất lượng cao 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ; tập trung thu hút, thúc đẩy khởi công xây dựng được một số dự án có vốn đầu tư lớn, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh, lan tỏa mạnh mẽ.

Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina đã đi vào sản xuất ổn định.
Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina đã đi vào sản xuất ổn định.

HÌNH THÀNH NHIỀU SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

5 năm qua, BR-VT tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các dự án có quy mô lớn, đồng thời ưu tiên thu hút phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Nhờ đó, đến nay nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới, như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại BR-VT 

 Sau thời gian vận hành thử, đến nay dự án nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD đã đi vào sản xuất ổn định. Ông Park Key Man, Giám đốc Xây dựng Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina cho biết,  Hyosung hiện tại đã sản xuất được những sản phẩm gần như đầu tiên có mặt tại Việt Nam như, Ethylene, Propylene, Polypropylene,… với công suất bình quân đạt 25 ngàn tấn sản phẩm hạt nhựa/tháng. Dự án có công nghệ  hiện đại, quy trình sản xuất hạt nhựa của nhà máy đều diễn ra bên trong các tháp silo - tháp tạo hạt. Các công đoạn sản xuất khác đều được điều khiển từ xa, rất ít công nhân vận hành. Hệ thống xử lý khí và chất thải cũng theo quy trình khép kín, không gây hại cho môi trường. “Với đà này, dự kiến tới tháng 6/2021 nhà máy sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 2, nâng công suất lên 600 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, với quỹ đất còn lại khoảng 31ha, Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina  dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy tương tự hoặc chuyên về sản xuất hóa chất”, ông Park Key Man thông tin.

Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty TNHH Dongjin (KCN Đất Đỏ 1).
Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty TNHH Dongjin (KCN Đất Đỏ 1).

Là một trong những DN đi đầu trong việc sản xuất linh kiện dây cáp, dây điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, sau 2 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Ông Lee Sung Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dongjin Glob cho biết: Bình quân DN sản xuất 1 triệu cụm linh kiện các loại/tháng. Ở Việt Nam, lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng phát triển. Đón đầu cơ hội đầu tư, vừa qua, DN đã mở rộng thêm 2 dây chuyền sản xuất để tăng năng lực sản xuất lên khoảng 20%.

Một số DN đầu tư hiệu quả, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty TNHH C&H Tech Vina (KCN Đất Đỏ 1) là một ví dụ.  Ông Kim Sung Kyun, Giám đốc Công ty TNHH C&H Tech Vina thông tin, hiện các sản phẩm về linh kiện điện tử của C&H Tech Vina đã tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn Samsung. Để trở thành đối tác của Samsung, DN phải đầu tư máy móc hiện đại, Samsung còn yêu cầu các DN trong chuỗi phải chú trọng đến cả môi trường lao động.   

CÓ SỨC LAN TỎA MẠNH MẼ

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN, dự án nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina đi vào hoạt động đã tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp (CN) hóa dầu, các ngành CN hạ nguồn như ô tô, y tế, các loại sản phẩm nhựa và các ngành dịch vụ khác của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 100 triệu USD; thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 600 lao động có kỹ thuật cao. Hơn 50% sản phẩm của dự án sẽ được xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu của kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, góp phần tạo chân hàng, nâng cao năng lực hoạt động cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.  

Trước đó, dự án Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide đi vào hoạt động với chức năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm (HZO, loại 65%) có thể thay thế kẽm cô đặc được kỳ vọng giúp BR-VT giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại gây bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường nhiều năm nay mà chưa có giải pháp xử lý. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ tại thị trường nội địa và quốc tế.   

Tuy chưa đi vào hoạt động nhưng một trong những dự án  được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới là dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Đây là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin khoảng 1,6 triệu tấn/năm và các nguyên liệu khác như polyetylen, ploypropylen,... trong công suất hơn 2 triệu tấn/năm, tiến tới thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu.

Theo Sở Công thương, các DN, nhà đầu tư đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại tỉnh thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại hơn. 5 năm qua, toàn tỉnh có 77 dự án mới đưa vào hoạt động, trong đó có 24 dự án lĩnh vực CN công nghệ cao, góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng chung của ngành CN. Chỉ số sản xuất CN (trừ dầu) tăng dần qua các năm, từ 7,85% năm 2016 tăng lên 9,13% năm 2019. 

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

 

;
.