.

Có vốn, nông dân mạnh dạn làm giàu

Cập nhật: 20:02, 03/09/2020 (GMT+7)

Đây là khẳng định của 6 hộ nông dân nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức. Với lãi suất ưu đãi, kịp thời, các hộ dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.

Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân số tiền 100 triệu đồng cho hộ ông Phạm Tiến Huynh (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân số tiền 100 triệu đồng cho hộ ông Phạm Tiến Huynh (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Cầm số tiền 100 triệu đồng vừa nhận từ Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh vào sáng 3/9, ông Nguyễn Văn Thắng, tổ 2, thôn 1, xã Suối Rao hồ hởi cho biết: Đây là lần thứ 2 ông được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (lần đầu vào năm 2016). Với 50 triệu vay trước đây, ông đã đầu tư mua con giống, thức ăn, thuốc… để đào ao nuôi cá nước ngọt. Từ 1ha ban đầu, hiện diện tích nuôi cá của ông đã tăng lên 1,3ha, nuôi các loại cá trắm, mè, chép, trôi… Năng suất khoảng 6 tấn/ao, với giá bán dao động từ 15.000-65.000 đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lãi trên 200 triệu đồng/ha/năm. Đợt này, ông tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ để tăng đàn cá. “So với các loại cây trồng khác, nuôi cá có đầu ra ổn định, thu nhập cao gấp nhiều lần, lại có nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, tôi quyết định đầu tư thêm con giống và thức ăn để phát triển đàn cá ”. 

Từ mô hình nuôi cá nước ngọt đã mang lại nguồn thu nhập  trên 200 triệu đồng/năm cho hộ ông Nguyễn Văn Thắng  (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Từ mô hình nuôi cá nước ngọt đã mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm cho hộ ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Còn ông Phạm Tiến Huynh, thôn 1, xã Suối Rao cho biết, trước đây với 5.000m2  trồng lúa, mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đầu năm 2020, sau khi được tiếp cận mô hình nuôi cá nước ngọt từ tổ hội nghề nghiệp nuôi cá tại địa phương, ông quyết định đầu tư 300 triệu đồng để đào ao, hệ thống xử lý nguồn nước và bắt đầu nuôi các loại cá nước ngọt. Sáng 3/9, ông là một trong 6 hộ được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay số tiền 100 triệu đồng để đầu tư con giống và thức ăn. Với số tiền này, ông dự định sẽ mua khoảng 3.000 con giống các loại như: trắm, mè, chép, trôi... 

Ngoài xã Suối Rao, từ đầu năm 2020 đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tiến hành giải ngân 42 dự án cho 504 hộ trên địa bàn huyện Châu Đức, với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng, chủ yếu để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy hải sản.

Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao cho hay, nhờ nguồn nước từ đập Suối Rao, cộng thêm từ năm 2016 hồ Sông Ray đi vào hoạt động nên nguồn nước khá dồi dào, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nuôi cá nước ngọt cần số vốn không nhỏ, do đó Hội Nông dân đề xuất nhiều dự án hỗ trợ nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Dịp này, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp cùng địa phương giải ngân 500 triệu đồng để các hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt. Đến nay, tại địa phương đã có 18 hộ tham gia phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt với diện tích khoảng 28ha. Nguồn thu nhập từ mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại 200-250 triệu đồng/hộ/năm. 

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
.
.
.