NÔNG THÔN MỚI - CUỘC SỐNG MỖI NGÀY TỐT ĐẸP HƠN

Kỳ 2: Hạ tầng khang trang, nông thôn hiện đại

Thứ Hai, 14/09/2020, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Diện mạo nông thôn khởi sắc ở tất cả các mặt đã đem lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa giúp người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa giao thương thuận lợi. Trong ảnh: Làm đường giao thông nông thôn tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức.
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa giúp người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa giao thương thuận lợi. Trong ảnh: Làm đường giao thông nông thôn tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức.

GIAO THÔNG THUẬN TIỆN 

Trước đây, mỗi vụ thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng, ông Hoàng Trung (ấp Nhân Trung, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) phải chở từng xe ra trung tâm huyện để nhập cho thương lái. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, xe ô tô của thương lái đã vào đến tận vườn để thu mua. Để có được điều này chính là nhờ hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, đường liên thôn, liên xã được nâng cấp mở rộng. Trong đó, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước còn có sự đồng thuận của người dân địa phương cùng góp sức, góp công, góp của để làm đường giao thông nông thôn.

Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất làm đường phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Trong ảnh: Gia đình ông Đinh Nho Kỳ (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) tình nguyện hiến 700m2 để làm đường.
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất làm đường phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Trong ảnh: Gia đình ông Đinh Nho Kỳ (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) tình nguyện hiến 700m2 để làm đường.

Ông Đinh Nho Kỳ (ấp Nhân Trung, xã Xuyên Mộc), một trong những người dân tiên phong hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng NTM tại địa phương cho biết, phía sau nhà ông có gần 40 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, trước đây các hộ này không có đường để đi. Việc đi lại, buôn bán chỉ dựa vào lối mòn rộng chưa đầy 1m nằm ở bên cạnh. Năm 2016, được chính quyền địa phương vận động, ông Kỳ đã tình nguyện hiến hơn 700m2 đất đang trồng hồ tiêu để mở con đường rộng 6m, dài 120m. Từ ngày con đường được mở, gần 40 hộ dân nằm trên trục đường tại ấp Nhân Trung đã có thể đi lại dễ dàng, thuận tiện trao đổi, lưu thông hàng hóa. 

 “Việc mở rộng đường giao thông là việc cần thiết. Hơn nữa, đất của gia đình tôi lại nằm ở vị trí quan trọng của cả khu này, nếu gia đình không hiến đất thì rất nhiều hộ dân phía sau sẽ không có đường thông thoáng để đi. Bây giờ, đường qua nhà được mở rộng, đi lại dễ dàng, ô tô vào tận cửa để thu mua nông sản, cảnh quan trước nhà cũng trở nên thoáng đãng, đẹp hơn rất nhiều”, ông Kỳ cho biết thêm. 

Tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn cũng được người dân đồng thuận chung tay nhằm xây dựng NTM khang trang hơn. 100% hộ dân đồng tình hiến gần 800m2 đất, trong đó có 3 hộ phá bỏ hơn 100m tường rào kiên cố để nhường chỗ cho tuyến đường đi qua. Đến năm 2019, trên địa bàn xã Sơn Bình đã có thêm 10 tuyến đường được bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 3.500m, thắp sáng 3 tuyến đường giao thông với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng. Còn tại ấp Phước Lâm (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) từ 2016-2018, người dân đã tự nguyện đóng góp 900 triệu đồng để nâng cấp, đổ bê tông hơn 4.000m các tuyến đường ngõ, xóm; đóng góp gần 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trong khu dân cư.

Đoàn viên, thanh niên huyện Đất Đỏ tham gia làm đẹp các công trình công cộng.
Đoàn viên, thanh niên huyện Đất Đỏ tham gia làm đẹp các công trình công cộng.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, qua quá trình tuyên truyền vận động, các tầng lớp nhân dân đã tham gia đóng góp tiền, góp ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và công cộng đạt kết quả cao. Điển hình như huyện Châu Đức đã vận động nhân dân tự nguyện hiến tổng cộng 320.379m2 đất và nhiều công trình kiến trúc, cây trồng các loại; vận động nhân dân đóng góp cùng với nhà nước xây dựng NTM hơn 10 tỷ đồng và 11.172 ngày công lao động; huyện Long Điền đã vận động nhân dân hiến 170.000m2 đất, 2.201 ngày công lao động, ủng hộ tiền mặt trên 300 triệu đồng để xây dựng cơ sở hại tầng NTM; TX. Phú Mỹ đã vận động nhân dân hiến trên 501.395m2 đất, cây hoa màu và tự tháo dỡ công trình gia đình để làm đường, tham gia làm 26,5km đường giao thông nông thôn và 2 cây cầu liên tổ…

NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI

Đến xã Hòa Long (TP. Bà Rịa), điều khiến mọi người ngạc nhiên chính là hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại. Ngoài hệ thống đường giao thông kiên cố, chợ, trường học, trạm y tế… được đầu tư đồng bộ. Ông Trần Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Long cho biết, trong 19 tiêu chí xây dựng xã NTM, xã quan tâm nhiều đến đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm… Cụ thể, đã trải nhựa 35 tuyến đường, tổng chiều dài 15.795m; 39 tuyến đường bê tông xi măng, dài 11.646m, 38 tuyến dây điện dài 14.468m. Hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư đồng bộ, xây dựng 5 tuyến bê tông hóa nội đồng dài 5.600m, nạo vét mới 8 tuyến mương bảo đảm phục vụ nước tưới tiêu cho nhân dân trong mùa khô, tiêu nước trong mùa mưa. Chợ Hòa Long được xây dựng khang trang với tổng mức đầu tư 10,5 tỷ đồng. Các khu dân cư được quy hoạch, CCN được đầu tư xây dựng. Hòa Long cũng là một trong 6 xã đầu tiên của tỉnh được chọn làm điểm xây dựng NTM và về đích đầu tiên, góp phần đưa TP. Bà Rịa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào tháng 5/2019.

Còn tại huyện Long Điền, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay rõ rệt. Hệ thống đường giao thông ở hầu hết các xã được mở rộng, bê tông hóa, nhiều trường học, chợ, trạm y tế được nâng cấp, xây dựng khang trang, môi trường nông thôn sạch đẹp, hệ thống thủy lợi không ngừng được nâng cấp, lưới điện đã phủ kín toàn huyện.

Trong khi đó huyện Đất Đỏ được chọn là một trong hai huyện điểm của tỉnh để xây dựng huyện NTM cũng đã về đích sớm với nhiều đổi thay tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại của huyện ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong huyện cũng như du khách. Chất lượng dịch vụ vận tải được nâng lên, phương tiện được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản, thành lập HTX vận tải Đất Đỏ. Các ngành dịch vụ khác đều có bước phát triển. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí, đang trình Chính phủ thẩm định và công nhận huyện NTM trong năm nay.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ tích cực tham gia vào xây dựng NTM. Sự chung sức này góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện... Qua khảo sát cho thấy, hiện nay hệ thống lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín các khu vực trên các địa bàn xã xây dựng NTM. Tỷ lệ số hộ sử dụng diện thường xuyên, an toàn đạt 99,65%, tăng 0,79% so với khi bắt đầu xây dựng NTM. “Ngoài ra, hệ thống công trình trung tâm các xã được quy hoạch đồng bộ, kết cấu hạ tầng của các xã như trung tâm trụ sở, trường học, chợ, trung tâm y tế… khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu làm việc, sinh hoạt, giải trí của người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng sự hưởng thụ trực tiếp cho người dân”, ông Trần Văn Cường cho biết thêm.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh huy động được hơn 11.898 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó: Nguồn vốn ngân sách hơn 3.319 tỷ đồng, đạt 27,89%; vốn tín dụng hơn 6.105 tỷ đồng, đạt 51,31%; vốn DN hơn 1.136 tỷ đồng, đạt 9,54%; huy động nhân dân đóng góp hơn 1.336 tỷ đồng, đạt 11,23%; nguồn khác 470 triệu đồng, đạt 0,0039%.

KIM HỒNG - NGUYỄN PHƯƠNG

 

;
.