.
KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017-2020

Tăng năng suất, thu nhập trên cùng một diện tích

Cập nhật: 19:25, 20/10/2020 (GMT+7)

Trồng cây gì, nuôi con gì cũng có giá trị nếu tìm được hướng đi là đúc kết của ngành nông nghiệp sau 3 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (2017-2020). Bởi một khi xác định mục tiêu giúp nông dân tăng thu nhập thì điều tiên quyết là tìm được mô hình phát triển phù hợp nhất.

Đề án cơ cấu nông nghiệp đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp 2-3 lần trên cùng diện tích. Trong ảnh: Ông Phan Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT Long Hải), với mô hình trồng rau thủy canh.
Đề án cơ cấu nông nghiệp đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp 2-3 lần trên cùng diện tích. Trong ảnh: Ông Phan Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT Long Hải), với mô hình trồng rau thủy canh.

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG

Những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), hầu hết các hộ trồng điều, tiêu đều từng bước thay thế các loại cây khác như tràm, thanh long… 3, 4 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết thất thường nên các loại cây như điều, tiêu liên tiếp bị mất mùa, năng suất sụt giảm từ 20% đến 50%, giá cả bấp bênh nên xã đã định hướng để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt hiện nay cây thanh long đang có thế mạnh vì hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao, tiêu thụ cũng dễ nên đang được nông dân chọn thay thế cây điều, tiêu. Đồng thời, từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang cho biết: Xã đã triển khai chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mùa vụ, đồng thời khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2019, xã thành lập HTX Thanh long Bông Trang, làm tiền đề để sản xuất cây thanh long theo hướng hàng hóa có liên kết đầu ra cho sản phẩm và từng bước củng cố các chuỗi liên kết ổn định, bền vững hơn. Nhờ đó, thu nhập của bà con nông dân tăng gấp 2-3 lần trên cùng diện tích, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019.

3 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, từng bước hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh đã triển khai cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương; định hướng cho nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Chuyển đổi lúa một vụ năng suất thấp sang trồng rau màu; tiếp tục xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như: chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả đặc sản... Nhiều DN, HTX và nông dân đã nhận thức được sự cần thiết phải hợp tác, liên kết và tiêu thụ. Đã có nhiều DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, qua đó giải quyết được đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

SẢN XUẤT AN TOÀN

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi thì trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, người dân ngày càng có ý thức cao trong việc sản xuất sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Nhiều mô hình nuôi ứng dụng theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Do đó, năng suất nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng cao (bình quân tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2 tấn/ha), riêng năng suất nuôi tôm công nghiệp đạt trung bình từ 6-8 tấn/ha, năng suất nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt tới 40 tấn/ha/vụ và có thể nuôi được 3-4 vụ/năm.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt trong giai đoạn 2017-2020 đạt 4,03%/năm. Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi khoảng 1.267ha đất lúa 1 vụ và các loại cây kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây lâu năm và cây ăn quả có hiệu quả kinh tế hơn. Diện tích gieo trồng cây lâu năm 58.500ha, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung. Tính đến năm 2020, đàn gia cầm đạt 6,2 triệu con, tăng bình quân 11,9%/năm (tăng 1,57 lần so năm 2016), đàn heo đạt 383.000 con, tăng bình quân 0,79%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, quá trình thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp BR-VT giai đoạn 2017-2020 cũng còn nhiều hạn chế như: Tiềm năng năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi chưa được khai thác đúng mức. Khoa học công nghệ được quan tâm đầu tư nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp nhưng số lượng còn ít, tính phổ biến nhân rộng chưa cao do ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao nên khó thu hút đầu tư. Nhiều cơ sở công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản còn lạc hậu về công nghệ, đơn điệu về sản phẩm, chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp và chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu... Đây là những hạn chế mà cần được khắc phục trong thời gian tới để đưa nông nghiệp phát triển bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 4,5% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra.

HỒNG NHUNG

.
.
.