.

NƯỚC SẠCH CHO CUỘC SỐNG: Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm từ cơ sở chăn nuôi

Cập nhật: 20:11, 15/10/2020 (GMT+7)

Thực hiện đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025”, nhiều cơ sở chăn nuôi đã được di dời ra khỏi hành lang an toàn nguồn nước. Đến nay, việc xả thải từ hoạt động chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến các hồ chứa nước cơ bản đã được kiểm soát.

Nhờ có các giải pháp kịp thời về chăn nuôi nên nguồn nước của các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn được bảo đảm an toàn. Trong ảnh: Một góc hồ Đá Đen.
Nhờ có các giải pháp kịp thời về chăn nuôi nên nguồn nước của các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn được bảo đảm an toàn. Trong ảnh: Một góc hồ Đá Đen.

KIỂM SOÁT NGUY CƠ Ô NHIỄM

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở BR-VT được coi là “điểm nóng” do vị trí của nhiều trang trại nằm trong khu dân cư và trong lưu vực các hồ cấp nước sinh hoạt. Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung, nhưng do quy hoạch chậm được triển khai nên nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn nằm xen lẫn trong phạm vi hành lang an toàn các hồ cấp nước sinh hoạt.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, thời gian qua, Sở TN-MT đã phối hợp với huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và TX.Phú Mỹ tiến hành rà soát các cơ sở chăn nuôi nằm ở đầu nguồn hồ chứa nước Sông Ray, Sông Hỏa, Châu Pha… Những cơ sở chăn nuôi xâm phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, các địa phương đã yêu cầu đóng cửa hoặc di dời đến các khu chăn nuôi tập trung. 

Châu Đức là địa phương có cơ sở chăn nuôi nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với 2.200 hộ và 56 trang trại. Trong khi đó, trên địa bàn huyện có 11 hồ chứa nước, trong đó có 4 hồ cấp nước sinh hoạt (Kim Long, Đá Đen, Sông Ray và Đá Bàng). Theo ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức, đến nay 90% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại đã di dời ra khỏi hành lang an toàn nguồn nước (cách hồ sông, suối từ 15-20m). Một số trang trại lớn không đủ điều kiện bảo vệ môi trường (BVMT) đã chuyển sang hình thức sản xuất khác. Còn dưới 30 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, huyện đang phối hợp với huyện Xuyên Mộc và huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) di dời ra khỏi thượng nguồn các hồ chứa nước. “Dự kiến cuối năm 2020 huyện sẽ di dời 19 trại heo, 4 trại gà vào vùng chăn nuôi tập trung của huyện”, ông Nhân cho biết thêm.

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước cũng được triển khai thường xuyên. Nhờ đó, các trang trại chăn nuôi đã chủ động thực hiện biện pháp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Gia đình bà Đỗ Thị Hà (tổ 9, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) chăn nuôi heo từ năm 2012 đến nay. Với số lượng 80 con heo thịt thường xuyên được nuôi trong chuồng, bà Hà đầu tư 2 hầm biogas (công suất 5m3/hầm) để thu gom xử lý chất thải trong chăn nuôi. “Chất thải được thu gom triệt để vào hầm biogas, từ đây gia đình tôi tận dụng khí biogas để làm chất đốt nấu nướng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”, bà Hà cho biết.

Bà Đỗ Thị Hà (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) vệ sinh chuồng trại, toàn bộ lượng nước thải này được thu gom vào hầm biogas để lấy khí gas phục vụ cho việc nấu nướng trong gia đình.
Bà Đỗ Thị Hà (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) vệ sinh chuồng trại, toàn bộ lượng nước thải này được thu gom vào hầm biogas để lấy khí gas phục vụ cho việc nấu nướng trong gia đình.

QUY HOẠCH VÙNG CHĂN NUÔI

Ông Đặng Sơn Hải cho biết thêm, thời gian qua, Sở TN-MT phối hợp với Sở NN-PTNT, Phòng Cảnh sát môi trường và các huyện, thị thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn chủ trại chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, khuyến khích xây dựng công trình xử lý nước thải chăn nuôi đạt quy chuẩn. Đến nay, hầu hết các trại heo quy mô vừa và lớn đều có công trình xử lý sau biogas, 18 cơ sở chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải sau biogas.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc các địa phương triển khai thực hiện tốt đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” đã được UBND tỉnh ban hành. Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2021, sẽ di dời, chấm dứt với các trang trại chăn nuôi không phù hợp quy hoạch gây ô nhiễm môi trường và không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện chăn nuôi theo quy định; chấm dứt hoạt động đối với các trang trại chăn nuôi không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.