Cấp bách kiểm soát ô nhiễm không khí

Thứ Ba, 24/11/2020, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Là tỉnh tập trung nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh, BR-VT đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Do đó, tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp bách hiện nay.

Các chỉ số môi trường tại các KCN tập trung nhà máy thép đều vượt quá quy chuẩn cho phép.  Trong ảnh: Khói bụi từ Nhà máy Thép Pomina 3.
Các chỉ số môi trường tại các KCN tập trung nhà máy thép đều vượt quá quy chuẩn cho phép. Trong ảnh: Khói bụi từ Nhà máy Thép Pomina 3.

NHIỀU NGUY CƠ Ô NHIỄM

Theo Sở TN-MT, nhiều hoạt động phát thải vào không khí đã được cơ quan chức năng nhận diện như: Hoạt động sản xuất công nghiệp có quy mô lớn như sản xuất thép, xi măng, hóa chất; hoạt động sản xuất chế biến hải sản, bột cá; hoạt động của các nhà máy xử lý chất thải trong Khu xử lý chất thải 100ha Tóc Tiên; hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, xây dựng công trình, giao thông vận tải… Tuy nhiên, đến nay việc kiểm soát và xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bị động.

Luôn trong tình trạng mịt mù bụi bất kể ngày hay đêm, cây xanh hai bên đường trắng xóa vì bụi - đó là tình cảnh mà người dân xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ) phải chịu đựng suốt hàng chục năm qua. Vài tháng trở lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở khu vực này càng trở nên nghiêm trọng do đường đang được sửa chữa. Tại cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, ông Hoàng Hải (thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha) cho biết: “Ngày nào người dân cũng tưới nước, nhưng chỉ trong thoáng chốc, ráo nước là bụi lại bay mù mịt. Các phương tiện giao thông chỉ cách nhau 50m đã bị bụi che khuất, rất nguy hiểm. Thậm chí, bụi còn ngập nhà dân, vừa quét xong, bụi lại bay trắng xóa vào nhà”.

Được biết, tuyến đường Bà Rịa - Phước Tân dài 10,5km (đi qua địa bàn TP.Bà Rịa và TX.Phú Mỹ), rộng 7m, cho phép xe có trọng tải tối đa 30 tấn lưu thông với tốc độ cao nhất 50km/h. Hai bên tuyến đường này có nhiều mỏ vật liệu xây dựng. Theo ghi nhận, chỉ trong vòng 15 phút, có 30 xe tải chở đá, cát, đất san lấp... không bạt che và chạy với tốc độ khá nhanh. Mỗi lần xe tải đi qua, bụi, đá từ thùng xe rơi rớt xuống đường khiến xe máy, xe đạp, người đi bộ phải “dạt” sang hai bên đường để né.

Cũng trên địa bàn TX. Phú Mỹ, nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sống tại 2 ấp Phước Hưng và Phước Lập (phường Mỹ Xuân) cũng phải sống chung với khói bụi từ Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia (KCN Mỹ Xuân). Ông Hoàng Xuân Đường (tổ 14, ấp Phước Lập, phường Mỹ Xuân) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm không khí đã kéo dài gần chục năm nay. Ngày nào người dân ở đây cũng phải hít thở bụi gạch men bay lơ lửng trong không khí”. Trước đó, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt nhà máy gạch men Hoàng Gia với số tiền 1,1 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động nhà máy và yêu cầu lãnh đạo công ty thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục hậu quả. Vậy nhưng, khi hoạt động trở lại, cơ sở này vẫn liên tục bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ ô nhiễm khói, bụi, nhiều địa phương tại BR-VT còn đối mặt với tình trạng ô nhiễm mùi hôi từ chế biến hải sản. Từ phản ánh của người dân, đầu tháng 11/2020, chúng tôi có mặt tại khu vực Trường MN Cỏ May (phường 12, TP. Vũng Tàu). Dù mới chỉ đầu giờ sáng, nhưng mùi hôi thối xung quanh bốc lên rất khó chịu, khiến cho không khí như đặc quánh lại. Đến tầm trưa, khi nắng lên cao, mùi hôi càng bốc lên nồng nặc. Nguyên nhân là do xung quanh khu vực này có rất nhiều cơ sở chế biến hải sản. 

Ông Phạm Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu cũng thông tin, xung quanh Trường MN Cỏ May có nhiều nhà máy chế biến hải sản với quy mô lớn, hoạt động hơn 20 năm qua như: Công ty CP Thương mại và Dịch vụ tỉnh, Công ty CP Thủy sản Phước Cơ, Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo... Mùi hôi phát sinh từ các nhà máy phát tán ra môi trường xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến Trường MN Cỏ May.

Hoạt động xả thải của các DN chế biến hải sản cũng đáng báo động, tác động đến không khí trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ môi trường lấy mẫu nước thải từ một cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn TX. Phú Mỹ.
Hoạt động xả thải của các DN chế biến hải sản cũng đáng báo động, tác động đến không khí trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ môi trường lấy mẫu nước thải từ một cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn TX. Phú Mỹ.

CẦN PHẢI KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho biết, TX. Phú Mỹ là địa bàn tập trung 10/15 KCN và 3 CCN, nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Trên địa bàn còn có Khu chế biến hải sản tập trung xã Tân Hải, vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung xã Sông Xoài, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên… nguy cơ ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh rất cao. UBND TX. Phú Mỹ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát về BVMT, đặc biệt là các DN có nguy cơ xả thải cao; tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT; di dời các cơ sở gây ô nhiễm; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm… Tuy nhiên, đến nay chất lượng không khí tại một số KCN vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, nhằm bảo đảm chất lượng môi trường, kiểm soát được nguồn ô nhiễm, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 96/CV-UBND về việc tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua Sở TN-MT đã phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nguồn thải; tham mưu cho tỉnh lựa chọn các dự án thân thiện với môi trường khi thu hút đầu tư; tăng tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động. Ngoài việc vận hành 3 trạm quan trắc tự động về không khí tại TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa và TX. Phú Mỹ, từ đầu năm 2020, Sở TN-MT đã lắp đặt và đưa vào hoạt động màn hình led có kích thước 20m2 tại 3 địa phương nói trên nhằm giúp người dân nắm các thông số về môi trường. Các dữ liệu được công bố trên màn hình led là các chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày (AQI) bao gồm: Chỉ số chất lượng không khí; nhiệt độ; độ ẩm; bụi; khí… kèm theo đó là các khuyến nghị, cảnh báo mức tác động tới sức khỏe. 

Trên địa bàn tỉnh, chất lượng không khí tại các khu du lịch, khu đô thị vẫn còn tốt. Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc tại một số điểm tập trung các nhà máy thép, xi măng, gạch men… tại các KCN như KCN Phú Mỹ 1, KCN Phú Mỹ 2, Mỹ Xuân nồng độ bụi vượt giới hạn cho phép từ 2-4 lần. Ngoài ra, tại các mỏ khai thác khoáng sản, các tuyến đường vận chuyển khoáng sản ô nhiễm khói bụi vượt quá giới hạn cho phép từ  1-1,5 lần. Bên cạnh đó là ô nhiễm về mùi tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã vượt 1,8-2,2 lần so với quy chuẩn cho phép; ô nhiễm từ các khu chế biến hải sản cũng tăng từ 1,8-2,7 lần. 
(PSG-TS Lê Hoàng Nghiêm, 
ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và DN trong việc BVMT nói chung và kiểm soát ô nhiễm không khí nói riêng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở TN-MT đã vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch; tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng. Đặc biệt, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT không khí theo quy định; công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật BVMT trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt hàng trăm trường hợp gây ô nhiễm không khí với số tiền gần 20 tỷ đồng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.