Kiểm soát nguồn thải công nghiệp

Thứ Ba, 23/02/2021, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có thế mạnh về công nghiệp với nhiều ngành công nghiệp nặng, trong đó có ngành thép. Do đó, quản lý nguồn thải công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành TN-MT. Giai đoạn 2016-2020, Sở TN-MT đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giám sát chặt chẽ các nguồn thải công nghiệp. 

Hệ thống quan trắc tự động tại KCN Formosa (TX. Phú Mỹ).
Hệ thống quan trắc tự động tại KCN Formosa (TX. Phú Mỹ).

DN CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Nhà máy Thép Miền Nam (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) thuộc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam là một trong những DN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường (BVMT).  

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam cho biết, nhà máy có diện tích 24ha, quy mô sản xuất 500 ngàn tấn phôi thép/năm và 400 ngàn tấn thép cán/năm. Mỗi năm, nhà máy phát thải khoảng 6.500 tấn bụi lò quang điện. Năm 2017, công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (QTTĐ) khí thải từ lò quang điện. Hệ thống QTTĐ truyền dữ liệu về trung tâm điều hành QTTĐ của tỉnh. Các chỉ số xả thải vượt quá quy định sẽ được cảnh báo về cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. 

Các dữ liệu nước thải, khí thải được truyền về Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh xử lý số liệu do các trạm QTTĐ của DN truyền về.
Các dữ liệu nước thải, khí thải được truyền về Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh xử lý số liệu do các trạm QTTĐ của DN truyền về.

Ngoài ra, nhà máy còn phát sinh 5.000-6.000 tấn xỉ lò/tháng và được thu gom vào kho lưu chứa trong khuôn viên nhà máy để các DN xử lý bụi lò, xỉ lò đến lấy theo định kỳ. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường nên Nhà máy Thép Miền Nam là một trong số ít nhà máy thép không bị người dân phản ánh về tình trạng bụi thải ra môi trường.

Tương tự, KCN Phú Mỹ 3 cũng là một trong những đơn vị làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 cho biết: Ngay từ khi bắt đầu quy hoạch, KCN Phú Mỹ 3 đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lựa chọn để phát triển thành KCN chuyên sâu, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Do đó, KCN xây dựng hạ tầng theo hướng đạt chuẩn quốc tế, trong đó khâu xử lý nước thải được công ty đặc biệt coi trọng. Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã chuyển đổi tiêu chuẩn của nhà máy xử lý nước thải từ cột B sang cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN-MT. Nhà máy áp dụng quy trình công nghệ toàn diện bao gồm các công đoạn tách cặn, xử lý sinh học kết hợp hóa lý, ổn định bùn và khử trùng nước thải. Mới đây, hệ thống QTTĐ nước thải tự động của nhà máy đã được truyền dữ liệu về trung tâm điều hành của Sở TN-MT để giám sát.

Theo báo cáo của Chi cục BVMT (Sở TN-MT), Bà Rịa-Vũng Tàu có 15 KCN, tổng diện tích 8.510ha, trong đó có 12/15 KCN đã đi vào hoạt động. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình của các KCN khoảng 45.000m3/ngày đêm. 12 KCN này đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống QTTĐ nước thải theo quy định. Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu có 4 CCN đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 1.350m3/ngày đêm. Cả 4 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 1 CCN đã đầu tư hệ thống QTTĐ nước thải, 3 CCN đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. 

KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ HƠN

Theo quy định của Bộ TN-MT, các KCN, CCN và các DN có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải có hệ thống QTTĐ và đấu nối dữ liệu về trung tâm điều hành để Sở TN-MT theo dõi, giám sát. Bộ TN-MT cũng quy định 6 đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động gồm: Sản xuất phôi thép (sản lượng từ 200 ngàn tấn/năm trở lên); nhiệt điện (trừ sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên); sản xuất xi măng; hóa chất và phân bón (sản lượng trên 10 ngàn tấn/năm); sản xuất dầu mỏ sản lượng trên 10 ngàn tấn/năm; lò hơi công nghiệp sản lượng lớn hơn 20 tấn hơi/giờ. 

Thực hiện quy định này, từ năm 2016 đến nay, Sở đã yêu cầu các DN sản xuất phát sinh nguồn thải lưu lượng lớn tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất: xi măng, luyện thép, hóa chất, vật liệu xây dựng, phân bón, giày da... và các KCN-CCN phải đầu tư đầu tư trạm QTTĐ, đồng thời truyền số liệu về trung tâm quản lý của tỉnh để theo dõi, quản lý; yêu cầu các nhà máy phát sinh khí thải đầu tư công trình thu gom, xử lý khí thải theo quy định. 

Năm 2020, Sở TN-MT đã yêu cầu các cơ sở có nguồn thải lớn đầu tư 18 trạm QTTĐ nước thải, liên tục truyền dữ liệu về trạm tiếp nhận của Sở TN-MT. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu 6 chủ đầu tư hạ tầng KCN hoàn thành QTTĐ nước thải sau xử lý. Hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 đang được đấu thầu thiết bị truyền nên chưa hoàn thành việc truyền dữ liệu về trung tâm điều hành; 2 KCN đang xử lý theo hình thức xử lý nước thải cục bộ. 

Năm 2020, phần mềm quản lý tự động đã gửi 23 lượt cảnh báo bằng tin nhắn và email, từ đó Chi Cục BVMT đã ban hành 6 thông báo nhắc nhở khi các cơ sở không khắc phục kịp thời. Thời gian tới, Chi cục BVMT tiếp tục theo dõi, đôn đốc 17 cơ sở, đối tượng liên quan đến quy định lắp đặt hệ thống QTTĐ rà soát, đầu tư bổ sung hoàn thiện thiết bị camera giám sát, lấy mẫu tự động để kết nối dữ liệu về Sở TN-MT theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống tự động trước ngày 31/12/2021.

Các DN có lưu lượng khí thải lớn như luyện thép, sản xuất xi măng… đã được đấu nối trực tiếp về Trung tâm điều hành QTTĐ mà không phải thông qua KCN. KCN Đất Đỏ đã kiểm tra và hoàn thiện, đủ điều kiện để nối truyền dữ liệu chính thức về trung tâm tiếp nhận dữ liệu của Sở TN-MT, đang hoàn thiện hồ sơ theo quy định. 

Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT (đơn vị quản lý Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh) cho biết, hiện đã có 20 trạm QTTĐ nước thải liên tục truyền dữ liệu chính thức về trạm tiếp nhận, tăng 2 trạm so với đầu năm 2020 là Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ III và Công ty CP Nhà máy bia Heneiken Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân A. Ngoài ra, Sở TN-MT đã vận hành trung tâm quản lý dữ liệu QTTĐ để kết nối, theo dõi thường xuyên, liên tục các số liệu QTTĐ từ các DN truyền về bằng phần mềm quản lý tự động. Khi phát hiện số liệu QTTĐ các DN truyền về vượt quy chuẩn hoặc mất tín hiệu, phần mềm sẽ tự động phát cảnh báo đến DN bằng tin nhắn SMS, email để kịp thời khắc phục. Trường hợp DN chưa khắc phục, Chi cục BVMT sẽ có văn bản nhắc nhở.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.