Phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu

Thứ Ba, 23/02/2021, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

Với quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các dự án có quy mô lớn, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao. Nhờ đó, tỉnh đã có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mới, tạo sức lan tỏa để ngành công nghiệp ngày càng phát triển đi vào chiều sâu.

Quy trình sản xuất với máy móc hiện đại bên trong Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.
Quy trình sản xuất với máy móc hiện đại bên trong Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.

THÊM NHIỀU SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP MỚI

Những ngày này, tại xưởng sản xuất Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, hệ thống dây chuyền sản xuất liên tục cho ra những tấm kính nổi siêu trắng trong suốt chất lượng cao. Toàn bộ nhà máy được vận hành bằng máy móc tự động, do 3-5 nhân viên điều khiển thông qua hệ thống máy tính trung tâm.

Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) chính thức đi vào hoạt động tháng 12/2020. Ông Đỗ Việt Phương, Giám đốc PFG cho biết, sau 1 tháng sản xuất, dây chuyền đã đạt mức công suất yêu cầu, chất lượng sản phẩm và tỷ lệ thành phẩm đạt 85-92%, mức tiêu hao năng lượng thấp hơn khoảng 3% so với yêu cầu thiết kế. “Hiện Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ đã sản xuất được kính 5-8-10 và 12 ly với kích thước thông dụng và khổ lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. PFG đặt mục tiêu đứng đầu thị trường nội địa, chiếm vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á và là sự lựa chọn trong top đầu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…”, ông Đỗ Việt Phương cho biết thêm.

Trước đó, tháng 11/2020, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã đưa vào vận hành nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia (KOA). Dự án có tổng vốn đầu tư 4.810 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 15ha, công suất thiết kế 400 ngàn tấn giấy mặt và giấy sóng sử dụng trong ngành bao bì. Theo đánh giá của các DN, trong bối cảnh các DN sản xuất giấy bao bì công nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong khâu nhập khẩu giấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì việc Marubeni đưa vào vận hành dây chuyền mới đã giải quyết được những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam và khu vực.

Ngoài 2 dự án trên, trong năm 2020, nhiều dự án tạo ra các sản phẩm công nghiệp mới như: Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina; dự án Việt - Nhật Shirogane Logistics (VJS), sản phẩm điện tử và công nghiệp tự động hóa của Công ty TNHH O.N Vina…

GIA TĂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Tính đến nay, toàn tỉnh có 77 dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Số lượng dự án chỉ chiếm tỷ lệ 12% trong tổng số các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng tổng giá trị sản xuất của các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại chiếm đến 43,93% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết,  đa phần dự án đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. 

Giai đoạn 2020-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, không thâm dụng lao động, tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và các dự án công nghiệp hỗ trợ. Song song đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn đang triển khai để sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động nhằm gia tăng năng lực, tốc độ tăng trưởng cho ngành như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Tập đoàn Hyosung; thúc đẩy tiến độ đầu tư KCN dầu khí Long Sơn; quan tâm triển khai các dự án điện khí, dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn… 

Ngoài ra, để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chất lượng cao nhằm tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Đến nay, quy hoạch ngành công nghiệp trên địa bàn đã đáp ứng được định hướng chung của tỉnh “đi trước đón đầu”, phát triển công nghiệp công nghệ cao. 

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.