Hải quan mở rộng quan hệ đối tác với doanh nghiệp

Thứ Sáu, 26/03/2021, 18:10 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác hỗ trợ DN của Cục Hải quan BR-VT ngày càng đi vào chiều sâu, đồng hành và tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động kinh doanh, ổn định xuất nhập khẩu (XNK), đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát tại nhiều nước trên thế giới.

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục hải quan.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục hải quan.

MỞ RỘNG MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC

Với mục tiêu tiếp tục mở rộng và phát triển hợp tác, Cục Hải quan tỉnh đã ký thêm các bản ghi nhớ, không chỉ với cộng đồng DN xuất nhập khẩu, đại lý làm thủ tục hải quan mà mở rộng sang cả các DN kinh doanh kho, bãi, cảng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi pháp luật hải quan cũng như hỗ trợ DN trong quá trình làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Hải quan tỉnh đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển quan hệ đối tác thường xuyên với 21 tổ chức/DN, bao gồm 1 Chi hội, 16 DN xuất nhập khẩu, 2 đại lý làm thủ tục hải quan và 2 DN kinh doanh kho, bãi, cảng.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng TCIT cho biết, TCIT là cảng container nước sâu đầu tiên tại BR-VT được chọn để ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, DN được tham gia các hoạt động đối thoại, tham vấn để lắng nghe cơ quan hải quan giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của DN. Cơ quan hải quan cũng cập nhật thông tin về quy định chính sách pháp luật mới đến DN một cách nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn, đúng địa chỉ. “Ngược lại, để được tham gia ký kết chương trình Hải quan-Doanh nghiệp (HQ-DN), DN phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nhà nước. Song song đó, DN thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thuế điện tử, thanh toán hàng hóa XNK qua ngân hàng; thực hiện tốt chính sách kiểm soát nội bộ; chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán…”, ông Phúc cho biết thêm.

Phản hồi của các DN cho thấy, sau thời gian tham gia quan hệ đối tác thường xuyên với hải quan đã đem lại lợi ích rất thiết thực. Nếu như trước đây, mối quan hệ giữa hải quan và cộng đồng DN là giữa “đối tượng quản lý” và “đối tượng bị quản lý”, nay đã chuyển sang mối quan hệ “đối tác”. Các cán bộ hải quan luôn coi DN như người bạn đồng hành, luôn hỗ trợ, hướng dẫn rất tận tình, thấu đáo khi DN gặp vướng mắc.

Theo đại diện Công ty TNHH Siam City Cement, DN này ký kết đối tác với Cục Hải quan tỉnh từ năm 2018 đến nay. Khi tham gia hoạt động đối tác hải quan, DN được hưởng nhiều chế độ ưu đãi về thủ tục hải quan. Chẳng hạn trước đây, khi làm các thủ tục xuất khẩu, nếu xảy ra các vướng mắc về hướng dẫn áp mã, hoàn thuế, miễn thuế, về chính sách mặt hàng, thủ tục hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, C/O… phải mất từ 1-3 ngày để cử ký thì nay khi nhận thông tin phản ánh từ DN, cán bộ hải quan sẽ hỗ trợ xử lý đúng thời gian, đảm bảo đúng cam kết giữa cơ quan hải quan và DN.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DN

Trở thành đối tác với cơ quan hải quan, DN cảng biển có rất nhiều thuận lợi, mọi chính sách liên quan được giải đáp, tháo gỡ kịp thời, ít xảy ra tình trạng ùn ứ hàng ở kho bãi. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa XNK tại Cảng CMIT.
Trở thành đối tác với cơ quan hải quan, DN cảng biển có rất nhiều thuận lợi, mọi chính sách liên quan được giải đáp, tháo gỡ kịp thời, ít xảy ra tình trạng ùn ứ hàng ở kho bãi. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa XNK tại Cảng CMIT.

Với mục tiêu đồng hành cùng DN vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác HQ-DN năm 2021 đã được Tổng cục Hải quan ban hành, ngành hải quan sẽ tiếp tục tích cực đối thoại, tham vấn ý kiến của cộng đồng DN trong việc xây dựng chính sách, pháp luật mới cũng như triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, điểm mới trong năm 2021 là chương trình sẽ mở rộng hợp tác với khối DN FDI, khối DN theo ngành nghề trọng điểm, khối DN nhỏ và vừa, DN kinh doanh kho, bãi, cảng, các hãng tàu, đại lý hải quan… trong việc thúc đẩy tuân thủ tốt pháp luật; bảo đảm các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, trao đổi thông tin, đánh giá phân loại tuân thủ của các DN.

Ông Trần Công Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép cho biết, bên cạnh thực hiện tốt quản lý hàng hóa, thu ngân sách, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đơn vị luôn coi DN là đối tác phục vụ, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ DN trong hoạt động XNK. Đơn cử như, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của DN, cơ quan hải quan thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình XNK hàng hóa theo thị trường, theo ngành hàng, theo những biến động của thị trường do tác động của dịch COVID-19; thông tin về các cam kết quốc tế liên quan đến thương mại hàng hóa… tới cộng đồng DN.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, với việc thực hiện chiến lược phát triển Hải quan, thể chế chính sách quản lý nhà nước về hải quan ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn đáp ứng các yêu cầu quản lý theo định hướng cải cách nền hành chính nhà nước tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Ngành hải quan cũng đổi mới toàn diện hoạt động theo chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới: Thủ tục hải quan chuyển từ thủ công sang điện tử, quản lý hải quan hiện đại theo phương pháp quản lý rủi ro; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ; thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… tạo cơ sở để giảm thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh thông tin thêm, ngành hải quan luôn xác định việc cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa cơ chế phối hợp, đồng hành giải quyết vướng mắc trong hoạt động XNK với các DN, ngành hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng kênh giám sát và các tiện ích giúp DN có thêm sự lựa chọn trong việc giám sát thực thi pháp luật về hải quan. Cục Hải quan tỉnh cũng mong muốn nhận được nhiều đề xuất về quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan của các đơn vị trực thuộc; những kiến nghị về cải cách, hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

Chỉ mất 10-30 phút để hoàn thiện mọi thủ tục kê khai hải quan

Theo kết quả tại báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, tỷ trọng chi phí thời gian của nhóm TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới chỉ chiếm 7% trong tổng chi phí tuân thủ, còn lại 93% là chi phí trực tiếp mà DN phải bỏ ra.
Cụ thể, TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới là một trong ba nhóm TTHC có thời gian thực hiện ngắn nhất trong 9 nhóm TTHC được điều tra khảo sát, với số giờ làm việc bình quân mà mỗi DN phải bỏ ra là 7,3 giờ.
Tính bình quân thời gian của tất cả các DN tự thực hiện TTHC về hải quan và thủ tục liên quan đến logistics tham gia khảo sát thì thời gian doanh nghiệp dành để tìm hiểu thông tin là 1,3 giờ/TTHC.
Tuy nhiên, chỉ có 62% tổng số DN là có dành thời gian thực hiện bước này, những DN còn lại thường là đã quen với TTHC hoặc có sử dụng dịch vụ tư vấn để thực hiện TTHC.
Thời gian thực tế để tìm hiểu một TTHC là khoảng 2,8 giờ, các DN này cho biết đối với TTHC về hải quan, DN thường tìm hiểu thông tin thông qua văn bản pháp luật (62%), biểu mẫu, quy trình được đăng tải trên Internet, và 35% DN tìm hiểu thông tin trực tiếp tại các cơ quan Hải quan địa phương.
Về thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ của TTHC hải quan, các DN tự thực hiện TTHC ghi nhận mức 2,4 giờ (thấp hơn mức thời gian trung bình dùng cho Chuẩn bị hồ sơ của TTHC khác).
Theo báo cáo, kết quả này có được là do trên thực tế, DN đã sử dụng thành thạo phần mềm kê khai hải quan; thông thường chỉ mất từ 10-30 phút là hoàn thiện mọi thủ tục kê khai và luôn sẵn sàng các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của pháp luật từ trước. Thời gian chuẩn bị hồ sơ dài hay ngắn phụ thuộc lớn vào tính chất phức tạp và khối lượng của hàng hoá.
Thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu mất trung bình 2,2 giờ theo số liệu khảo sát. Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp đã thực hiện, thời gian thực tế làm việc với cán bộ Hải quan chỉ khoảng từ 15-30 phút, còn lại chủ yếu là thời gian đi lại, chờ đợi và làm thủ tục với các bên dịch vụ logistics để lấy hàng.
Về chi phí trực tiếp, nhóm TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới có chi phí trực tiếp cao trong các nhóm TTHC được khảo sát.
 Trong đó, chi phí dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng lớn so với chi phí thực hiện TTHC về hải quan. Chi phí dịch vụ logistics bao gồm: phí nâng hàng, phí hạ hàng, phí hạ tầng, phí cân hàng, phí cầu đường, phí bến bãi, phí vận chuyển hàng hóa, phí bốc xếp hàng hóa… tùy thuộc vào khối lượng hàng hóa và địa điểm thông quan.
Đặc biệt, 7% các DN được khảo sát cho rằng có chi phí không chính thức, thường phát sinh ở khâu làm giấy chứng nhận chuyên ngành, khâu kiểm tra hồ sơ, quá trình làm việc tại cảng, cửa khẩu.
Một trong những xu hướng thực hiện TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới được ghi nhận là ngày càng nhiều DN sử dụng dịch vụ trung gian chuyên nghiệp (các đại lý hải quan) để thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các DN có tần suất xuất nhập khẩu hàng hóa ít, và các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
THU HẰNG
;
.