Đầu ra thuận lợi nhờ liên kết sản xuất

Thứ Hai, 10/05/2021, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Trong vụ Đông Xuân năm nay, mô hình liên kết hợp tác “4 nhà” tiếp tục được HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt, huyện Long Điền phát huy hiệu quả. Được DN hỗ trợ về phương thức canh tác, áp dụng KHKT vào sản xuất, HTX đã có vụ mùa đạt năng suất và sản lượng vượt trội, nông dân cũng không phải lo lắng về “đầu ra” cho nông sản.

Nhờ sử dụng giống mới, áp dụng KHKT bà con xã viên HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt có một vụ mùa bội thu. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại HTX NN&DV An Nhứt, huyện Long Điền.
Nhờ sử dụng giống mới, áp dụng KHKT bà con xã viên HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt có một vụ mùa bội thu. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại HTX NN&DV An Nhứt, huyện Long Điền.

VỤ MÙA BỘI THU

Cánh đồng lúa của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt có diện tích khoảng 220ha với 1.088 thành viên tham gia canh tác, vừa kết thúc thu hoạch vụ Đông Xuân 2021. Vụ này, bà con xã viên ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi.

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt cho biết, đây là vụ đầu tiên HTX áp dụng mô hình liên kết với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thực hiện kỹ thuật canh tác sản xuất khoảng gần 50ha. HTX luôn đi đầu trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nhưng đây là lần đầu tiên triển khai một cách khoa học và bài bản nhất. “Đổi thay rõ nét nhất là lúa trên cánh đồng liên kết chín đều, không còn tình trạng đám chín trước, đám chín sau như trước kia. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, Tập đoàn Lộc Trời cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp trao đổi, hướng dẫn nông dân, giám sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Cùng với kiến thức, kỹ thuật, nông dân được sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm sức khỏe khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu”, ông Thành thông tin.

Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia mô hình liên kết, được tư vấn chọn giống lúa phù hợp và hướng dẫn cách chăm sóc cũng như hỗ trợ kỹ thuật phun thuốc trên diện tích 1ha, ông Huỳnh Trung Đông (ấp An Lạc, xã An Nhứt) rất mừng khi năng suất lúa đạt 8,5 tấn/ha, cao hơn 1,2 tấn/ha so với vụ trước, đây cũng là kết quả cao nhất từ trước đến giờ.

Tương tự gia đình ông Lê Văn Hải (ấp Đông Trung, xã An Nhứt) có 1,5ha lần đầu tiên áp dụng toàn bộ kỹ thuật theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp và đạt năng suất 9 tấn/ha. Ông Hải cho biết: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất theo truyền thống, mỗi khi tới đợt dùng thuốc bảo vệ thực vật, tôi đều phun theo kinh nghiệm dân gian nên khá tốn thuốc, cũng không biết sử dụng thế nào cho phù hợp với sức khỏe cây lúa và cả người trồng. Khi được kỹ sư hướng dẫn, lượng thuốc sử dụng giảm 20-30% mỗi sào mà cây lúa vẫn tươi tốt, thậm chí năng suất cao hơn”.

SẼ NHÂN RỘNG TRÊN TOÀN TỈNH

Ngoài liên kết sản xuất, Tập đoàn Lộc Trời còn cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa của xã viên với giá cáo hơn 100 đồng/kg so với giá thị trường. Không phải lo về đầu ra sản phẩm như trước, bà con xã viên yên tâm sản xuất. Ông Trần Quang Toàn, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, Công ty đã có kế hoạch nhân rộng mô hình liên kết sản xuất trên toàn tỉnh. Trước mắt, Công ty đã liên kết với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt trên diện tích gần 50ha. Tiếp đó, Công ty sẽ liên kết với nông dân huyện Đất Đỏ và Châu Đức, phấn đấu trong vụ Hè Thu sắp tới diện tích liên kết đạt 1.000ha và tăng lên 3.000ha vào cuối năm 2021.

Cũng theo ông Toàn, mục tiêu của Công ty là luôn muốn nông dân tiếp cận những tiến bộ KHKT trong sản xuất để bảo đảm sức khỏe và năng suất cao nhất. Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời đã tăng cường 10 kỹ sư nông nghiệp, tư vấn dùng thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng công nghệ trong chăm sóc cây lúa cho nông dân. “Trong vụ Đông Xuân đầu tiên tại xã An Nhứt, mô hình sản xuất liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp nông dân đạt năng suất lúa cao hơn 10-15%/ha. Chi phí sản xuất cho 1ha giảm khoảng 15-20% so với trước đây. Bên cạnh những chính sách chuyển giao kỹ thuật, Tập đoàn Lộc Trời cũng cam kết thu mua sản phẩm, là nhịp cầu kết nối giữa nông dân và thị trường tiêu thụ tốt nhất”, ông Toàn khẳng định.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT đánh giá, liên kết sản xuất là hướng đi phù hợp để thực hiện kế hoạch cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030. Cụ thể, đến năm 2030, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung tại các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, Bà Rịa, TX. Phú Mỹ với diện tích 12.700ha, sản lượng khoảng 67.700 tấn lúa/năm, chiếm 50% sản phẩm lúa hàng năm của tỉnh. Các sản phẩm lúa, gạo được tiêu thụ qua hình thức liên kết giữa DN và người sản xuất lúa, lúa được sản xuất theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) hoặc các tiêu chuẩn khác đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.