.

Ấn tượng trước cách người Nhật gia tăng giá trị sản phẩm

Cập nhật: 19:27, 25/04/2024 (GMT+7)

Không chỉ tạo ra sản phẩm mang thương hiệu chung từ chương trình hợp tác Sanjo và Bà Rịa-Vũng Tàu, các doanh nghiệp cơ khí, kỹ thuật của tỉnh đã học hỏi được rất nhiều về cách thức nâng giá trị sản phẩm của người Nhật.

Các doanh nghiệp kiểu mẫu tham gia Dự án Sanjo điều mong muốn tiếp tục hợp tác, thương mại hóa  các sản phẩm cơ khí thương hiệu chung Bà Rịa-Vũng Tàu và Sanjo.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Alita Tech (TX.Phú Mỹ).
Các doanh nghiệp kiểu mẫu tham gia Dự án Sanjo điều mong muốn tiếp tục hợp tác, thương mại hóa các sản phẩm cơ khí thương hiệu chung Bà Rịa-Vũng Tàu và Sanjo. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Alita Tech (TX.Phú Mỹ).

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tổng kết Dự án Hỗ trợ kinh doanh Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNNV) SDGs trong khuôn khổ chương trình phổ cập, kiểm chứng, thương mại hóa dành cho DNNVV thông qua việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi Tsubame Sanjo và thương hiệu Tsubame-Sanjo tại Việt Nam” (Dự án Sanjo).

Học được nhiều từ người Nhật

Theo Sở Công thương, Dự án Sanjo đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó có việc sản xuất sản phẩm mang thương hiệu chung của vùng Tsubame-Sanjo và Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm 2 loại cưa cầm tay, 2 dao bếp, 3 sản phẩm làm đẹp. Dự án cũng đã hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo kỹ năng quản lý cho các DNNVV của tỉnh; đào tạo, hướng dẫn công chức, viên chức của ngành công thương xây dựng giải pháp, hoạch định chính sách hỗ trợ DNNVV…

Công ty TNHH Kiểm định Sông Hồng là một trong những DN kiểu mẫu của Bà Rịa-Vũng Tàu được chọn tham gia dự án Sanjo.

Ông Đỗ Trần Khánh Ninh, Giám đốc công ty cho biết, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia, sản phẩm cưa của DN đạt chất lượng tương đương các sản phẩm của Nhật Bản. "Nhưng chúng tôi thật sự ấn tượng về cách người Nhật gia tăng giá trị sản phẩm", ông Ninh nói, “Chúng tôi thực sự hiểu hơn về văn hóa, con người Nhật Bản; học được thêm sự kỷ luật, tỉ mỉ, cẩn thận, khiêm tốn, làm việc với thái độ nghiêm túc, khoa học và đam mê trong công việc”.

Còn theo ông Trần Duy Hưng, Phó Giám đốc Công ty CP xây lắp và dịch vụ kỹ thuật Phú Mỹ (PMC), thời gian qua, DN được Công ty Takagi của TP.Sanjo hướng dẫn sản xuất sản phẩm cưa gỗ quấn mây. Sau nhiều lần được “cầm tay chỉ việc”, đến nay sản phẩm của DN được phía Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng.

“Chúng tôi còn được trực tiếp tới Nhật Bản và rất ấn tượng với quy trình sản xuất của Takagi, với sự kết hợp của chuỗi nhà thầu phụ tạo ra từng chi tiết riêng lẻ, rồi lắp ráp hoàn thiện và đóng gói sản phẩm. Một điều nữa rất tạo cảm hứng cho chúng tôi là Takagi hợp tác với nhà thầu có sử dụng lao động khuyết tật. Một sự đóng góp đầy tính nhân văn cho xã hội”, ông Hưng cho hay.

Ngoài tạo ra các sản phẩm cơ khí chất lượng cao mang thương hiệu chung, trong Dự án Sanjo, các chuyên gia Nhật Bản còn hướng dẫn các DN Bà Rịa-Vũng Tàu quy trình, các giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện trong sản xuất và đã đạt được những kết quả tốt.

 

Mở ra cơ hội hợp tác

Cũng theo ông Trần Duy Hưng, sau khi dự án kết thúc, PMC có mong muốn và định hướng tiếp tục hợp tác với các DN của thành phố Sanjo. Ông Hưng cho biết, với thế mạnh chuyên về sản xuất, thi công xây lắp và nhà xưởng sẵn có, DN kỳ vọng được hợp tác với Công ty Takagi để sản xuất các sản phẩm như dụng cụ làm vườn, làm mộc, hoặc các vật dụng sử dụng trong gia đình để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và tiêu thụ tại Việt Nam.

“DN cũng đề ra lộ trình rất rõ ràng, là từ 2024 đến 2027 PMC sẽ hợp tác với các đối tác ở Việt Nam có các loại máy dập, ép nhựa… để sản xuất các chi tiết rồi lắp ráp hoàn thiện sản phẩm. Sau năm 2027, chúng tôi dự kiến đầu tư máy móc thiết bị để tự sản xuất được các chi tiết chính”, ông Trần Duy Hưng thông tin.

Tiếp tục kết nối, học hỏi, hợp tác và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN Sanjo là mong muốn chung của các DN kiểu mẫu tham gia Dự án. Do đó, các DN cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến các nội dung như: phòng trưng bày sản phẩm thương hiệu chung Sanjo - Bà Rịa-Vũng Tàu; hỗ trợ thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho DN Việt Nam và Nhật Bản trong việc trao đổi về nhân lực, chuyên gia; giải pháp nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm; hỗ trợ đầu tư máy móc đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật…

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, ông Ryo Takizawa, Thị trưởng thành phố Sanjo tin tưởng, sự kết nối của các công ty của hai địa phương đã được xây dựng bền chặt và sẽ được tiếp tục ngay cả khi dự án kết thúc.

Trong tương lai, thành phố Sanjo mong muốn tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của sự phát triển của các doanh nghiệp cả hai phía, trong các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường...

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.