.

Gỡ vướng mặt bằng đẩy nhanh các dự án hạ tầng lưới điện

Cập nhật: 18:27, 24/04/2024 (GMT+7)

Các sở, ngành, địa phương của tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng lưới điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Công nhân Điện lực Long Điền sửa chữa, bảo trì thiết bị tại trạm biến áp 110kV An Ngãi (huyện Long Điền).
Công nhân Điện lực Long Điền sửa chữa, bảo trì thiết bị tại trạm biến áp 110kV An Ngãi (huyện Long Điền).

Hạ tầng điệnđược quan tâm đầu tư

Theo Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay nguồn điện chính cung cấp cho tỉnh từ trạm 220/110kV Mỹ Xuân, Tân Thành, Châu Đức, Vũng Tàu và Nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ 1… Cùng với đó, các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh có tổng công suất khoảng 130 MW.

Riêng huyện Côn Đảo đang được cấp điện từ 13 tổ máy diesel tại Nhà máy điện An Hội với công suất 17.820kW. Tổng cộng 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh hơn 1,9 tỷ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Về lưới điện, tỉnh có đường dây 110kV hơn 395km với mức tải trung bình hiện nay 45% cho phép, cùng với đó là 32 trạm biến áp 110kV và hơn 3.215km đường dây trung thế, gần 3.230km đường dây hạ thế phục vụ cho cấp điện trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, giai đoạn 2021-2024 đơn vị được Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao gần 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư lưới điện trung, hạ thế và lắp máy 2 trạm biến áp 110kV Phú Mỹ 3 và An Ngãi; 4 tổ máy phát điện bổ sung cho Côn Đảo năm 2023-2024 và 4 tổ máy cho năm 2024-2025... Đến nay, trạm Phú Mỹ 3 đã đóng điện, còn trạm An Ngãi khởi công từ tháng 3/2024 và sẽ sớm hoàn thành.

Nhờ sự đầu tư kịp thời, đồng bộ, việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua bảo đảm ổn định, an toàn, không xảy ra tình trạng thiếu điện hay sự cố mất điện diện rộng. Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, với đặc thù của tỉnh, nhiều công trình lưới điện được quan tâm đầu tư theo đúng quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp điện cho dự án kinh tế trọng điểm như: Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (TP.Vũng Tàu); nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa LPG (TX.Phú Mỹ); nhà máy sản xuất thép…

Ngoài đầu tư mới, ngành điện cũng đặc biệt quan tâm công tác bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống lưới điện. Năm 2024, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện 14 công trình sửa chữa lớn, gồm 6 lưới điện hạ thế, 7 lưới điện trung thế và 1 công trình nguồn điện với kinh phí hơn 43 tỷ đồng.

Gỡ vướng mặt bằngđẩy nhanh tiến độ dự án

Thời gian qua, du lịch phát triển mạnh, số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh khiến lượng điện tiêu thụ tại khu vực Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) tăng nhanh. Do đó, nhu cầu về một trạm biến áp 110kV là cấp thiết để cung ứng điện cho khu vực này và một số địa phương khác của huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Dự án này đã được Tổng Công ty Điện lực miền Nam hoàn thiện các thủ tục để đầu tư.

Tuy nhiên, dự án chưa thể khởi công do vướng về mặt bằng. Cụ thể, phần đất xây dựng trạm biến áp và các trụ điện có diện tích cần thu hồi gần 6.700m2, trong đó có một phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh quản lý. Do đó, cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng mới có thể bắt đầu thi công.

Về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phục vụ dự án trạm biến áp Hồ Tràm phù hợp với quy hoạch tỉnh và đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt sớm nhất.

Ngoài dự án trên còn có các công trình như: trạm 110kV Mỹ Xuân A2 và đường dây Mỹ Xuân-Mỹ Xuân A2; đường dây 110kV Phước Thuận-Xuyên Mộc-trạm 220kV Hàm Tân; trạm 110kV Phú Mỹ và đường dây đấu nối; các lộ ra trạm biến áp 220kV Châu Đức…

Ông Đoàn Đức Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, các dự án này phù hợp với quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, có nhiều công trình quan trọng, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là dự án công nghiệp lớn của Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Điểm nghẽn” hiện nay mà nhiều dự án chưa thể triển khai là vướng khâu giải phóng mặt bằng. “Do đó, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, hỗ trợ giải quyết để bảo đảm tiến độ dự án, để các công trình hạ tầng điện sớm đi vào vận hành và mang lại hiệu quả như kỳ vọng”, ông Đoàn Đức Hưng đề xuất.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo EVN, Tổng Công ty Điện lực miền Nam cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu sở, ngành, địa phương, trong đó Sở Công thương là đầu mối phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tốt nhất cho ngành điện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án hạ tầng, bảo đảm cung ứng điện đầy đủ cho sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.