HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM, VƯƠNG QUỐC ANH (UKVFTA)

Mở rộng cánh cửa xuất khẩu vào thị trường Anh

Chủ Nhật, 03/01/2021, 17:41 [GMT+7]
In bài này
.
Đây là nhận định của bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương khi trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được ký kết.

• Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về Hiệp định UKVFTA?

- Bà Vũ Bích Hảo: Trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, việc Hiệp định UKVFTA được ký kết sẽ bảo đảm thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn.

Với những nền tảng cam kết và tiến bộ cao kế thừa từ Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA sẽ là động lực mới thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương và tạo sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và DN hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của dịch bệnh, cũng như phát huy quan hệ thương mại tốt đẹp trong thời gian qua, cùng hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Anh và Việt Nam.

• Những ngành nào sẽ có lợi thế, thưa bà?

- Ngay khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực, những ngành như: thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn.

Ví dụ như với mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Còn tại ngành gỗ, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%)… Hay với ngành thủy sản, ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0%. Với BR-VT, ngành thủy sản của tỉnh sẽ có thêm cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này...

Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, ngành may mặc là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi lớn. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Twinkles Việt Nam trong giờ sản xuất.
Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, ngành may mặc là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi lớn. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Twinkles Việt Nam trong giờ sản xuất.

• Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, theo bà thì các DN BR-VT phải làm gì để có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác?

- Việc ký kết Hiệp định UKVFTA sẽ giúp DN Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar, vốn là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Mặc dù có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng nguồn cung hàng hóa…, song Hiệp định UKVFTA cũng đặt ra những thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước. 

Đối với hàng dệt may chẳng hạn, mặc dù Hiệp định tạo thuận lợi mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định UKVFTA, nhưng do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của các DN dệt may trong tỉnh chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN, trong khi đó Trung Quốc không phải là thành viên của một số hiệp định tự do. 

Vì vậy, thời gian tới, DN cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu trong ngành này để tránh phụ thuộc vào một thị trường và tận dụng được những cơ hội từ các cam kết của Hiệp định. Đối với nông sản, do rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất chặt chẽ, vì vậy, các DN cần phải minh bạch quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và những quy định SPS (vệ sinh và kiểm dịch động thực vật)… Bên cạnh đó, các DN cũng cần tuân thủ những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. 

• Thời gian tới, ngành công thương sẽ có kế hoạch như thế nào để hỗ trợ các DN, thưa bà?

- Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công thương, trong đó đặc biệt Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại và Sở KH-CN trong việc hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN của tỉnh nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó hiệu quả và bảo vệ lợi ích của DN; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngoài nước nhằm giúp DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. 

Ngành sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định UKVFTA nhằm giúp cơ quan nhà nước và các DN nắm được thông tin, kiến thức cũng như các quy định của Hiệp định.

• Xin cảm ơn bà.

ĐÔNG HIẾU
(Thực hiện)

 
;
.