Bánh bèo chén "ăn một lần là nhớ mãi"

Thứ Tư, 29/07/2020, 20:42 [GMT+7]
In bài này
.

Bánh bèo chén là một món ăn bình dân mà nhiều nơi trên địa bàn tỉnh BR-VT đều có. Tuy nhiên, để ăn đến no mà vẫn thấy ngon thì thực khách chỉ có thể cảm nhận ở quán bánh bèo chén Huế Xưa (395, Hùng Vương, TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức).

Chị Phạm Thị Bảo Ngọc tự tay sơ chế, làm bánh và bán cho khách.
Chị Phạm Thị Bảo Ngọc tự tay sơ chế, làm bánh và bán cho khách.

Những thực khách đã một lần đến quán hẳn sẽ khó quên được món bánh dân dã nhưng gói trọn tình cảm của vùng đất này. Bánh bèo chén tại đây được đặt trong mẹt tròn đường kính khoảng 25cm, mỗi mẹt có 16 chén ăn kèm với nước mắm. Từng chiếc bánh bé xíu dẻo thơm hương gạo, vị ngọt của tôm hòa trong chén nước mắm cay làm người ăn phải xuýt xoa khi thưởng thức. 

Theo chân những người con đất cố đô vào Châu Đức lập nghiệp, bánh bèo chén nhanh chóng trở thành món ăn được ưa thích, góp phần làm phong phú thêm bức tranh ẩm thực BR-VT. Chị Phạm Thị Bảo Ngọc, chủ quán Huế Xưa cho biết, trước đây chị đi rửa chén, phụ việc cho quán bánh bèo chén của bà Nguyễn Thị Tâm (TT.Ngãi Giao). Bà Tâm là một người sinh ra và lớn lên ở Huế, cuối năm 2015, bà mở quán lấy tên gọi là Huế Xưa. “Bà thương cái thật thà, chân chất của tôi nên truyền nghề. Năm 2018 bà sang lại quán cho tôi sau đó đi định cư ở nước ngoài theo diện bảo lãnh của con cháu”, chị Ngọc kể thêm.

Cảm mến tấm lòng và sự tin tưởng của người đi trước, gia đình chị sơn sửa lại quán, tìm tòi nghiên cứu để chế biến món ăn ngày một ngon hơn nhằm phục vụ thực khách. 

Chị Ngọc cho biết, để làm được bánh bèo chén ngon, bột gạo sau khi mua về được pha với nước sôi, để lắng; lọc bỏ phần nước ở trên, tiếp tục khuấy đều, cho từ từ nước lạnh và một ít muối để da bánh đậm đà. Sau đó chia bột vào từng chén với tỷ lệ gần bằng nhau và hấp khoảng 20 phút. Bánh chín là khi da bánh có màu trắng trong, mịn, dẻo, dai và có độ đàn hồi. Mỗi mẻ, chị Ngọc hấp được khoảng 50 chén.

Nhân bánh bèo chén làm từ tôm và thịt heo, công đoạn này theo chị Ngọc “mất rất nhiều thời gian để chọn mua, sơ chế và chế biến. Nhân ngon làm nên thương hiệu của bánh”. Những con tôm to, đều nhau sau khi mua từ chợ về được rửa sạch với nước muối, cắt đầu, đuôi và lột vỏ, ướp bằng một ít gia vị là muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm để khoảng 15 phút cho con tôm ngấm đều. Chọn thịt heo có phần nạc và mỡ tương đối, chần sơ qua nước nóng để loại bỏ mùi hôi, cắt nhỏ, cho lên bếp đảo với hành tím, tỏi, ớt và nước màu tự nhiên. “Chia đều tôm-thịt theo đúng tỷ lệ “3 tôm, 1 thịt” để dù làm mới món ăn, người ăn vẫn cảm nhận được hương vị đặc trưng của món Huế”, chị Ngọc chia sẻ. Khi thịt vừa chín thì cho tôm vào đảo đều tay, liên tục cho tới khi nước dùng săn lại. Để nguội sau đó cho nhân vào máy xay, xay nhuyễn, cho lên bếp đảo lại một lần nữa để nhân thơm lừng và có màu đỏ vàng bắt mắt. 

Bánh bèo chén Huế Xưa luôn đặc biệt vì có thêm da heo giòn rụm nhà làm. Da heo sau khi mua về làm sạch, rửa nhiều lần bằng nước muối loãng, cắt thành những phần đều nhau, mang lên bếp chiên nhỏ lửa đến khi da có màu vàng cánh gián thì tiếp tục công đoạn cháy tỏi. “Công đoạn này rất cực, phải tỉ mỉ, chăm chút để da chín đều, không bị cứng. Khoảng 5-6kg da heo sống mua về cắt gọt, sau khi cháy tỏi thì thu được khoảng 1,2kg da thành phẩm giòn rụm thơm ngon”, chị Ngọc nói.

Bánh làm ra ngon được nhiều người đón nhận. Vì vậy thực khách có thể ăn đến no mà vẫn thấy ngon, giá bán cũng bình dân. Bánh bèo chén 20.000 đồng/mẹt; bánh lọc gói lá 30.000 đồng/10 cái; bánh nậm 40.000 đồng/10 cái. Em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 11A Trường THPT Nguyễn Trãi (TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức) thường xuyên lui tới đây cho biết: “Bánh ở đây rất mềm, tan chảy trong miệng cộng với cái đậm đà cay nồng của nước mắm hòa quyện đã tạo nên một cảm giác không thể nào quên khi thưởng thức”. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC
;
.