Độc đáo môn thể thao đẩy gậy

Thứ Ba, 15/09/2020, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Đẩy gậy là trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống của người dân tộc thiểu số, được tổ chức trong ngày lễ, Tết. Đến nay, đẩy gậy đã được phổ biến rộng rãi và là môn thể thao dân được nhiều người yêu thích.

Ông Đào Văn Khánh (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) kiểm tra gậy để chuẩn bị tham gia thi đấu môn đẩy gậy tại Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh.
Ông Đào Văn Khánh (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) kiểm tra gậy để chuẩn bị tham gia thi đấu môn đẩy gậy tại Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh.

Nói đến đẩy gậy, đa phần mỗi người sẽ nghĩ đơn giản chỉ cần có sức khỏe sẽ đẩy được đối phương ra khỏi vòng tròn thi đấu và trở thành người chiến thắng. Thế nhưng cần phải có chiến thuật, kỹ thuật kết hợp sức mạnh, sự khéo léo, tâm lý ổn định thì khi đó người chơi mới làm chủ được cuộc thi.

Trong các cuộc thi đẩy gậy ở giải hội thao toàn quốc có hạng cân dành cho nữ dưới 55kg, nam trên 60kg. Theo đó, mỗi trận có 2 vận động viên thi đấu trên sân bê tông hoặc nền đất khô ráo đã vẽ vòng tròn có đường kính 5m với 1 chiếc gậy. Gậy thi đấu làm bằng tre già thẳng được bào nhẵn bề mặt, dài khoảng 2,2m, đường kính từ 4-5cm, sơn 2 màu đỏ trắng (mỗi màu 1 bên). Vận động viên dùng sức từ tay, đùi để không bị đối phương đẩy lùi về phía sau ra khỏi vòng tròn hoặc té ngã. Mỗi vận động viên phải thi đấu từ 2-3 hiệp để phân định thắng thua.

Ông Đào Văn Khánh (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) người dân tộc Châu Ro, là 1 trong 6 thành viên của đội tuyển đẩy gậy của tỉnh cho biết: “Với môn đẩy gậy, để giành chiến thắng trước đối thủ rất khó. Không phải có sức khỏe, thân hình cao to là thắng. “Ăn” nhau là ở kỹ thuật, sự khéo léo và biết tận dụng thời cơ khi đối thủ mệt hoặc lơ là, mình “ra đòn” quyết định thì sẽ đánh bại được đối phương”. 

Nói về nguồn gốc môn đẩy gậy của đồng bào dân tộc Châu Ro, ông Khánh kể, từ xa xưa, đẩy gậy là một môn thi đối kháng giữa thanh niên trai tráng của 2 làng, 2 xóm do thách thức nhau xem ai khỏe hơn mà hình thành. Sân thi đấu là bãi đất trống bằng phẳng. Gậy được đặt vào hõm vai, người thi đấu sẽ nằm bò đối mặt, hướng vào nhau 2 tay chạm đất. Chỉ cần đối phương té ngã hoặc làm rơi gậy, cuộc thi sẽ kết thúc. Khi các thanh niên trai tráng so tài, các cô gái sẽ làm lễ hội thêm phần sôi động bằng điệu nhảy mô phỏng những động tác nhịp nhàng chèo thuyền qua sông và điệu hò ngọt lịm. “Đẩy gậy xưa chỉ dành cho thanh niên trai tráng để chứng minh sức mạnh, sự trưởng thành, đủ tự tin để giữ trọng trách bảo vệ buôn làng. Các bô lão sẽ là trọng tài để phân định thắng thua”, ông Khánh thông tin thêm.

Do dùng sức lực từ đôi vai và cánh tay nên mức độ nguy hiểm cao, ngày xưa gậy được chọn là cây tre rừng già cỗi, chắc chắn và có độ đàn hồi nhất định. Gậy phải thẳng và thân được chuốt nhẵn để khi thi đấu không làm tổn thương tay người thi. Sau các buổi thi đấu, gậy được mang về gác trên giàn bếp để tránh mối mọt và nhờ sức nóng, hơi của khói bếp lên màu đẹp hơn.

Ngày nay, đẩy gậy được phát triển phổ biến rộng rãi trong xã hội, không phân biệt nam nữ, độ tuổi, trở thành môn thể thao yêu thích của mọi người. Ông Nguyễn Ngọc Sáu, Quản lý Nhà Văn hóa Bàu Chinh (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết: “Hàng năm, địa phương đều tổ chức các chương trình hội thao phong trào để gìn giữ phong tục tập quán, văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có môn đẩy gậy. Đồng thời, phát hiện chọn lọc và bồi dưỡng thành viên mới cho đội tuyển để tham gia thi đấu cùng các địa phương khác trên toàn huyện”.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.