LẶNG THẦM PHÍA SAU ÁNH HÀO QUANG

Kỳ 2: HLV Nguyễn Bá Thọ - Người phát huy nét đẹp môn võ cổ truyền

Thứ Ba, 03/11/2020, 21:46 [GMT+7]
In bài này
.

Anh Nguyễn Bá Thọ (SN 1988, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) là người đam mê võ thuật từ nhỏ. Hiện nay, với vai trò là HLV Đội tuyển võ cổ truyền trẻ tỉnh, anh được xem là người kế thừa và truyền bá tinh hoa võ cổ truyền khi trực tiếp dạy võ, đào tạo, phát triển võ thuật, đem lại thành tích cao cho đội tuyển. 

HLV Nguyễn Bá Thọ điều chỉnh động tác và hướng dẫn học trò trong quá trình tập luyện.
HLV Nguyễn Bá Thọ điều chỉnh động tác và hướng dẫn học trò trong quá trình tập luyện.

Từ nhỏ, anh đã được ba anh dạy võ, khi đến tuổi đến trường, anh có cơ duyên tham gia học môn võ cổ truyền. Với niềm đam mê, tố chất và sự nỗ lực hết mình trong tập luyện, anh nhanh chóng lĩnh hội đầy đủ tinh thần võ đạo và phát triển tài năng võ thuật. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh tham gia thi đấu thể thao ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Với những thành tích ấn tượng đạt được trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu, năm 2008, anh làm HLV dạy võ cổ truyền cho các em thiếu nhi ở Trung tâm Văn hóa HTCĐ TT.Phước Hải. Năm 2012, anh vinh dự trở thành HLV Đội tuyển trẻ võ cổ truyền tỉnh. 

Với lực lượng Đội trẻ gồm 1 HLV và 6 VĐV luôn tích cực tập luyện để sẵn sàng tham gia thi đấu ở các giải trong và ngoài tỉnh. Trong suốt những buổi tập, HLV Nguyễn Bá Thọ tỉ mỉ quan sát mỗi em trong từng động tác đánh, đôi khi anh dành cả buổi học chỉ để tập 1 động tác, 1 thế võ cho học trò để các em hiểu được ý nghĩa, cách phân bổ lực đánh, qua đó điều chỉnh phương pháp tập luyện phù hợp. Hiểu tâm lý, tính cách của từng em, các bài tập của anh đưa ra cho mỗi VĐV vì thế cũng khác nhau, tạo nên sự linh hoạt, sinh động trong từng buổi tập. 

“Con đường nào dẫn đến thành công cũng phải trải qua những khó khăn vất vả. Với những người luyện võ dường như còn khó khăn gấp bội bởi những yêu cầu khắt khe của võ thuật, phải “dạn đòn” mới có thể thành công. Ngoài sử dụng được các đòn đánh ở những thế võ khác nhau, võ sinh phải thành thạo các động tác: tấn pháp, thủ pháp (động tác tay); cước pháp (chân) và trửu pháp (chỏ, gối). Khi đã thành thạo các động tác trên, những đòn cước người học võ đánh ra vì thế mà trở nên mềm mại như roi, không chỉ để triệt hạ đối phương mà còn để khèo, đạp, móc… khiến đối phương không kịp trở tay dù vóc dáng to lớn hơn. Đó cũng là những nét đẹp của võ cổ truyền”, HLV Nguyễn Bá Thọ cho biết.

Trong suốt buổi tập luyện của võ sinh, HLV Nguyễn Bá Thọ nhiệt tình giảng giải các thế võ của bộ môn võ cổ truyền để chúng tôi (PV) được biết. Do được chính người Việt sáng chế để phù hợp với vóc dáng nhỏ bé, khéo léo, nhanh nhẹn của người Việt nên võ cổ truyền rất chú trọng đến việc áp sát đối phương. Người càng nhỏ thì càng dễ dàng áp sát, động tác đôi khi trườn sát đất, thoắt cái đã áp sát đối phương rồi tung đòn quyết định, có thể bằng cùi chỏ, đầu gối hay gót chân. Bởi vậy, không có môn phái nào mà trong thi đấu không cần phải phân loại võ sĩ theo hạng cân như ở võ cổ truyền. Mang nét đặc trưng chủ yếu lấy nhu chế cương nên các chiêu thức mà các võ sinh bộ môn võ cổ truyền đánh ra gần như tuyệt đối để hạ gục đối phương, không mang tính trình diễn thể thao như những môn phái khác.

Tự hào giảng dạy cho các võ sinh về nét đẹp của môn võ dân tộc, HLV Nguyễn Bá Thọ luôn nỗ lực để truyền đạt từ động tác đến ý nghĩa cao đẹp của võ cổ truyền, để các võ sinh không chỉ giỏi võ thuật mà còn là một người tốt, công dân có ích cho xã hội. Chất giọng hào sảng, anh nói: “Võ cổ truyền còn được gọi dân dã là “võ ta”, gắn bó với dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước, mang vẻ đẹp mà không môn võ nào trên thế giới có được. Hình thành từ truyền thống đánh giặc cứu nước, nên các đòn của võ ta rất nguy hiểm, hạ gục đối phương càng nhanh càng tốt. Vì vậy, ngoài võ công ra, người học võ chân chính phải biết về võ triết, võ y và võ đức”.

Võ sinh Nguyễn Tuấn Trọng, thành viên Đội tuyển bộ môn võ cổ truyền tỉnh cho biết: “Năm 2012, em trở thành thành viên của đội tuyển trẻ tỉnh. Năm 2019, em là thành viên của đội vô địch, đoạt HCĐ tại Giải vô địch võ thuật võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức ở TP.Đà Lạt. Năm 2018, Tuấn Trọng đoạt HCV tại Giải võ cổ truyền các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Ngoài huấn luyện bài bản, thầy còn tích cực giao lưu, phối hợp với các CLB tại địa phương để chúng em được thi đấu cọ xát, qua đó rút được nhiều kinh nghiệm quý báu và rèn luyện tâm lý vững vàng”.

Những năm qua, Đội tuyển trẻ võ cổ truyền tỉnh dưới sự hướng dẫn của HLV Nguyễn Bá Thọ đã tham gia thi đấu ở nhiều giải và đạt được những thành tích vượt bậc. Năm 2019, giành được 1 HCB, 4 HCĐ ở Giải trẻ võ cổ truyền thiếu niên toàn quốc tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. 1 HCV, 1 HCB, 5 HCĐ tại Giải vô địch võ thuật võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức ở TP.Đà Lạt. Năm 2020 đoạt 1 HCB, 2 HCĐ tại Giải trẻ thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc ở Đắk Lắk. Ngày 10/11 tới đây, đội tuyển sẽ tham gia thi đấu Giải Vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc ở Bình Định.

Ngoài các buổi tập luyện, bài tập giảng dạy dành cho những thành viên đội tuyển, HLV Nguyễn Bá Thọ còn trực tiếp giảng dạy cho các em ở lớp phong trào và năng khiếu, qua đó tìm kiếm thêm nhân tố tiềm năng để bồi dưỡng lực lượng cho đội tuyển. Lớp học võ cổ truyền tại Trung tâm văn hóa HTCĐ TT.Phước Hải mở cửa vào buổi tối từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần thu hút đông đảo võ sinh theo học được chia thành nhiều lớp cùng nhiều độ tuổi khác nhau góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp võ cổ truyền của dân tộc.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

 
;
.