.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GỬI ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Cập nhật: 10:43, 28/04/2004 (GMT+7)

Hiện nay lĩnh vực khiếu nại, tố cáo của công dân không còn có nhiều điểm nóng như trước đây nhưng nó vẫn diễn ra thường xuyên, luôn gắn liền với hoạt động của Bộ máy nhà nước. Đây là một vấn đề phức tạp, khó khăn trong nền hành chính của chúng ta. Nó là hình thức biểu hiện mâu thuẫn về lợi ích giữa cá nhân với nhau hoặc giữa cá nhân với Nhà nước. Khi công dân có yêu cầu thì họ gửi đơn đến cơ quan Nhà nước để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, việc nắm không rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục của việc gửi đơn đã gây không ít khó khăn cho hoạt động thụ lý đơn thư của các cơ quan. Điều này gây phức tạp cho cơ quan Nhà nước đồng thời kết quả mong muốn của người dân ít nhiều bị ảnh hưởng, gây kéo dài thời gian, chậm trễ trong giải quyết vụ việc. Sau đây xin nêu mấy ý kiến trao đổi để làm rõ hơn về trình tự, thủ tục của công dân khi gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan Nhà nước.

 

Một là: Thẩm quyền: Công dân khi muốn gửi đơn khiếu nại, tố cáo thì phải xác định đúng thẩm quyền của cơ quan giải quyết vụ việc mà mình yêu cầu. Công dân thường có tâm lý là tin tưởng cấp trên hơn cấp dưới, điều này gây khó khăn cho cơ quan nhận được đơn thư và hậu quả là đơn thư bị chuyển vòng vèo sau một thời gian mới đến đúng địa chỉ. Ví dụ : nếu cá nhân muốn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải gửi đơn đến UBND huyện, thị xã, thành phố chứ không phải gửi UBND tỉnh hoặc khiếu nại về bản án thì gửi đơn đến cơ quan Tòa án chứ không phải gửi đến UBND các cấp.

 

Hai là: Hồ sơ khiếu nại, tố cáo: Hồ sơ khiếu nại, tố cáo là một tập tài liệu, giấy tờ có liên quan về một vụ việc, một vấn đề. Thực tế có nhiều người gửi đơn khiếu nại rất sơ sài trong khi gửi đơn yêu cầu cơ quan Nhà nước giải quyết. Hồ sơ khiếu nại bắt buộc phải bao gồm đơn khiếu nại và các tài liệu kèm theo. Đơn thể hiện ý chí nguyện vọng của người gửi đơn. Vì thế, trong đơn cần phải có các nội dung sau :

 

1/ Nơi gửi : Ghi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

 

2/ Họ tên và địa chỉ của người khiếu nại, có thể ghi cả số điện thoại liên lạc Nếu người khiếu nại là tổ chức thì phải ghi rõ tên cơ quan, địa chỉ, người đại diện; nếu là ủy quyền thì phải làm đầy đủ các thủ tục về ủy quyền.

 

3/ Đối tượng khiếu nại: phải ghi rõ quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính mà mình khiếu nại. Ví dụ ghi rõ: khiếu nại quyết định số 100/QĐ-UB ngày 1-1-2004 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kinh phí bồi thường thiệt hại do Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình Quộc lộ 51B. Nếu là hành vi hành chính thì ghi rõ họ tên, chức vụ của người thực hiện hành vi hành chính.

 

4/ Nội dung khiếu nại: Ghi tóm tắt vụ việc khiếu nại, nêu những quyền và lợi ích hợp pháp mà mình cho là bị xâm hại do Quyết định hành chính hay hành vi hành chính gây ra.

 

5/ Quá trình giải quyết khiếu nại của các cấp và kết quả giải quyết (nếu có) : tóm tắt quá trình giải quyết của các cấp, đã có các văn bản nào giải quyết (ghi rõ số, ngày tháng của văn bản). Đây là vấn đề quan trọng để xác định thẩm quyền của cơ quan giải quyết tiếp theo cũng như tính liên tục của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

6/ Những yêu cầu của người khiếu nại : Nêu rõ, ngắn gọn nội dung mình yêu cầu Nhà nước làm những việc gì?

 

7/ Cam kết của người khiếu nại: Công dân phải cam kết về tính trung thực của đơn khiếu nại. Trường hợp vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà tiếp khiếu theo trình tự thủ tục hành chính thì người khiếu nại phải cam kết không khởi kiện vụ việc ra Tòa án.

 

8/ Tài liệu gửi kèm theo đơn khiếu nại: Đây là vấn đề quan trọng và rất cần thiết trong khi nộp đơn khiếu nại, tố cáo. Ngoài đơn khiếu nại, tố cáo ra, người khiếu nại, tố cáo phải gửi kèm theo là quyết định hành chính mà mình khiếu nại, các văn bản đã giải quyết của các cấp, các loại giấy tờ để chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng, là hợp lý. Nếu đơn khiếu nại mà công dân chỉ gửi đơn, ghi rõ quyết định bị khiếu nại  nhưng không gửi kèm theo thì người xử lý không biết nội dung của quyết định bị khiếu nại như thế nào. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

 

Những vấn đề nêu trên nếu được người khiếu nại lưu tâm thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của các cơ quan Nhà nước, chất lượng xử lý được tốt hơn, thời gian giải quyết sẽ nhanh hơn. Đây là vấn đề rất có lợi cho cả hai bên Nhà nước và công dân.

 

Hoàng Thanh Lượng
(Văn phòng HĐND và UBND tỉnh)

.
.
.