.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Văn Phương và đồng bọn:

Y ÁN SƠ THẨM ĐỐI VỚI PHẠM VĂN PHƯƠNG: 27 NĂM TÙ

Cập nhật: 10:45, 17/04/2004 (GMT+7)

CÙNG HỢP SỨC ĐỂ CƯỠNG ĐOẠT

Tại phiên tòa, Phương cho rằng mình không cưỡng đoạt ông Hoàng vì không dùng vũ lực, cũng như không đe dọa ông Hoàng và Phương không hề biết chuyện Sơn đã hẹn với Hoàng đi ăn cơm tại nhà hàng Ngọc Sương. Tuy nhiên hồ sơ vụ án đã thể hiện: Phương đã dàn dựng và tung tin Công ty của ông Hoàng sắp bị thanh tra, ông Hoàng sẽ bị bắt như Mai Văn Huy rồi trực tiếp hù dọa ông Hoàng "Mày phải giữ cái mạng của mày, chuyện bây giờ lớn và nghiêm trọng hơn trước nhiều!". Rồi Phương dùng hình ảnh của những chủ doanh nghiệp đã bị đi tù để hù ông Hoàng: "Chú phải nhìn gương của kẻ nhiều tiền như Trịnh Vĩnh Bình, Phạm Huy Phước, Trần Quang Vinh". Cộng thêm đó, Sơn lại nói với vợ ông Hoàng rằng "không biết Hoàng làm ăn gì với ông Phương mà bây giờ ông ấy đòi lấy mạng Hoàng" nên ông Hoàng càng lo sợ. Trong vụ việc này, chính Phương và Sơn đã cùng nhau "đạo diễn" tạo nên một bi kịch để Hoàng đồng ý chi một khoản tiền lớn. Khi đã sắp xếp được chuyện đưa tiền với Hoàng, Sơn đã điện báo cho Phương biết: "Em đã trao đổi với thằng mập rồi. Thằng mập đồng ý 100.000 USD". Phương đã nói lại: "Công việc của mày, mày cứ làm đi". Trước đó, Sơn đã nói với ông Hoàng nếu đưa 50.000 USD mà nó (tức Phương) không đồng ý thì anh phải chuẩn bị thêm 50.000USD nữa. Vậy nên ngoài việc mượn 50.000 USD của công ty, ông Hoàng còn đi xuống Cần Thơ để mượn thêm theo ý của Sơn. Bị hại Nguyễn Minh Hoàng khai rằng vì bắt buộc nên phải đưa tiền.

Về hành vi cưỡng đoạt trên, khi tranh tụng với luật sư Phan Trung Hoài, đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa chỉ rõ bản chất của Phương rằng: Phạm Văn Phương đem những "điểm yếu" của ông Hoàng để hù dọa. Phương đã sử dụng thông tin để làm người khác phải hoảng sợ và phải đưa tiền. Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát cũng nêu ra đặc trưng của tội "cưỡng đoạt" được quy định trong luật. Theo đó hành vi của Phương là hành vi "cưỡng đoạt".

Trong bản án phúc thẩm, HĐXX đã nhận xét: "Các bị cáo Phương và Sơn đã dùng các thủ đoạn trắng trợn và công khai để uy hiếp bị hại Hoàng. Khi các bị cáo đã thực hiện thủ đoạn này thì hành vi tội phạm đã hoàn thành, không kể các bị cáo có  chiếm đoạt được tài sản hay không."

Trong phần bào chữa cho bị cáo Phương về hành vi cưỡng đoạt, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Phương không có đe dọa về mặt tinh thần đối với Hoàng, không phải là kênh thông tin khiến Hoàng lo sợ. Mặt khác, Phương chưa nhận số tiền trên. Về hành vi lừa đảo, luật sư Hoài cho rằng việc đưa tiền cho Phương đều do Hoàng và Sơn chủ động và là giao dịch dân sự mang tính chất dịch vụ, không có yếu tố lừa đảo Chỉ riêng về hành vi Phương lừa đảo lấy của chị Nguyễn Kim Cúc 250 triệu là hành vi "rất đáng phê phán"! Những lời bào chữa của luật sư Hoài đã được đại diện Viện Kiểm sát tranh luận lại và đại diện Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: Phương phạm tội "cưỡng đoạt tài sản" và" lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

BỊ CÁO SƠN: ĐƯỢC GIẢM ÁN VÌ ĐÃ THÀNH KHẨN VÀ LẬP CÔNG CHUỘC TỘI!

Về hành vi phạm tội của Nguyễn Thành Sơn, HĐXX đã nhận xét rằng Sơn chính là người gợi ý cho Phương thực hiện hành vi cưỡng đoạt, là người đã truyền đạt đầy đủ những thông tin của Phương tới bị hại Hoàng. Bị cáo Sơn là người thực hiện phạm tội "tích cực". Tuy nhiên xét mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội do Sơn gây ra có phần hạn chế hơn Phương và không có mục đích ăn chia với Phương. Thực ra, giữa Hoàng và Sơn là bạn bè, cùng bỏ tiền ra để lo cho người bị hại. Và tại phiên tòa phúc thẩm, chính bị hại Hoàng đã xác nhận Sơn đã có giúp mình. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Sơn đã thành khẩn nhận tội, đã lập công chuộc tội và tích cực giúp các cơ quan chức năng phát hiện điều tra tội phạm. Từ những tình tiết trên, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Sơn, giảm một phần hình phạt cho Sơn như Viện Kiểm sát đã đề nghị. Cuối cùng, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Sơn 7 năm tù (án sơ thẩm tuyên phạt Sơn 12 năm tù).

Với bị cáo Phạm Văn Phương, HĐXX khẳng định bản án sơ thẩm tuyên phạt Phương 27 năm tù với 2 tội là đúng người, đúng tội và đúng với hành vi của Phương gây ra. HĐXX đã bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Phạm Văn Phương vẫn lãnh án 27 năm tù về hai tội "cưỡng đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Về yêu cầu của Phạm Văn Phương xin giải tỏa lệnh kê biên căn nhà 28 Lê Quý Đôn, phường 1, TP. Vũng Tàu không được HĐXX chấp nhận, vì đây là tài sản để bảo đảm thi hành án.