Nạn làm giả giấy tờ diễn biến phức tạp

Thứ Ba, 09/10/2018, 16:39 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện “cò” làm giả và bán giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không mua những giấy tờ giả để tránh tiếp tay cho các đối tượng tội phạm. Nếu mua và sử dụng giấy tờ giả để phục vụ lợi ích riêng, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.  

Đối tượng Hoàng Minh Tiến tại cơ quan công an.
Đối tượng Hoàng Minh Tiến tại cơ quan công an.

Công an TP.Bà Rịa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam  đối với Hoàng Minh Tiến (SN 1991, trú tại huyện Châu Đức) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo hồ sơ, ngày 12-9, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an tỉnh phối hợp với Công an phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) kiểm tra hành chính 1 căn nhà tại tổ 1, khu phố Nam Dinh, phường Kim Dinh, phát hiện đối tượng Hoàng Minh Tiến có biểu hiện nghi vấn nên mời về Công an phường Kim Dinh làm việc. 

Tại cơ quan công an, qua kiểm tra điện thoại của Tiến, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều tin nhắn liên quan đến việc làm giấy tờ cho người khác. Vụ việc sau đó được chuyển cho Công an TP.Bà Rịa mở rộng điều tra theo thẩm quyền. Tiến khai nhận: Do biết các đối tượng tên Hiền và Quang (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) chuyên làm giấy tờ giả, nên Tiến móc nối để làm giấy tờ cho những người có nhu cầu nhằm thu lợi bất chính. Khi có người “đặt hàng”, Tiến yêu cầu họ cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân, sau đó gửi qua zalo cho Quang. Mỗi giấy tờ giả, có giá từ 500-800 ngàn đồng. Tiến đưa cho Quang và Hiền từ 400 - 600 ngàn đồng, còn lại Tiến giữ phần mình. Với mối quan hệ trên, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2018, Tiến đã làm giả 3 giấy phép lái xe mô tô và 1 giấy CMND cho người có nhu cầu tại TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa và huyện Châu Đức. Những người mua và sử dụng giấy phép lái xe, CMND giả đã bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Làm, mua bán giấy tờ, bằng giả là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay đang được “rao” tràn lan trên các mạng xã hội. Thử vào Google gõ chữ “cần mua giấy phép lái xe, bằng các loại” đã cho gần 340 ngàn kết quả. Có người mạnh dạn quảng cáo “Giấy tờ được làm bằng công nghệ cao nên bao soi chiếu của cơ quan chức năng không phát hiện ra”. Các loại giấy tờ, bằng giả “rao” trên mạng có giá từ 600 ngàn đồng đến cả chục triệu đồng tùy loại. Người có nhu cầu mua phải cung cấp các thông tin cá nhân. Giao “hàng” xong mới thanh toán. 

Tang vật trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do  Hoàng Minh Tiến thực hiện.
Tang vật trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Hoàng Minh Tiến thực hiện.

Trung tá Nguyễn Trọng Điểm, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp - Công an TP.Bà Rịa cho biết, một số đối tượng lợi dụng việc người dân có tâm lý ngại đi học giấy phép lái xe, hoặc đến các cơ quan công an làm CMND, hay thi cử để lấy bằng cấp học vấn nên chọn con đường mua “hàng” giả. Trong khi đó, nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân, các loại thủ tục hành chính liên quan đến các loại giấy tờ tùy thân đã được đơn giản hóa. “Đối với việc rao bán giấy tờ giả trên mạng, người dân không nên mua, sử dụng vì vừa mất tiền, vừa bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, không loại trừ khả năng các đối tượng lừa đảo nhằm lấy thông tin cá nhân của người dân để sử dụng vào mục đích xấu, cần phải cảnh giác”, Trung tá Nguyễn Trọng Điểm khuyến cáo. 

Điều 9 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” quy định: Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân; Làm giả chứng minh nhân dân; Sử dụng chứng minh nhân dân giả.

Điều 341 Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH (có hiệu lực từ 1-1-2018) quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Tùy theo mức độ phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

;
.