Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất ở huyện Đất Đỏ: Một thẩm phán bị yêu cầu bồi thường hơn 400 triệu đồng

Thứ Tư, 17/04/2019, 16:50 [GMT+7]
In bài này
.

Ông Nguyễn Văn Đức, trú tại ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ gửi đơn đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: Một thẩm phán của TAND huyện Đất Đỏ đã ký văn bản trái luật trong khi giải quyết vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông. Vì vậy, ông Đức yêu cầu thẩm phán này phải bồi thường. 

Ông Nguyễn Văn Đức tại thửa đất mà ông yêu cầu thẩm phán Nguyễn Văn Tiến phải bồi thường thiệt hại cho gia đình ông do ảnh hưởng bởi Công văn số 39/CV-TAH.
Ông Nguyễn Văn Đức tại thửa đất mà ông yêu cầu thẩm phán Nguyễn Văn Tiến phải bồi thường thiệt hại cho gia đình ông do ảnh hưởng bởi Công văn số 39/CV-TAH.

Trong đơn, ông Nguyễn Văn Đức trình bày: Năm 2004, mẹ ông Đức qua đời để lại mảnh đất thuộc các thửa 34, 35 và 86, tờ bản đồ số 14, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ để chia cho anh em trong gia đình. Khu đất này trước đó đã được ông Đức trồng tràm. Đầu tháng 3-2011, ông Đức bán tràm và thuê ông Nguyễn Văn Hiền dọn đất để chuẩn bị trồng hoa màu. Thế nhưng, ngày 28-3-2011, đoàn cán bộ của UBND xã Long Mỹ xuống khu đất yêu cầu ông Hiền dừng ngay việc dọn đất làm thay đổi hiện trạng khu đất. 

Hôm sau, ông Đức đến UBND xã Long Mỹ tìm hiểu nguyên nhân sự việc thì được biết, cán bộ xã ngăn cản ông Hiền dọn đất là thực hiện theo Công văn số 39/CV-TAH ngày 22-3-2011 của TAND huyện Đất Đỏ do thẩm phán Nguyễn Văn Tiến ký về ngăn chặn việc làm thay đổi hiện trạng khu đất đang tranh chấp; không cho giao dịch, san lấp, bao chiếm, sử dụng đất đang tranh chấp chờ kết quả giải quyết của tòa án.

Trước đó, ngày 6-10-2010, TAND huyện Đất Đỏ thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ với các bị đơn Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Văn Hiệp và Nguyễn Văn Thuận. Theo yêu cầu của nguyên đơn, ngày 22-3-2011, TAND huyện Đất Đỏ ban hành Công văn số 39/CV-TAH  có nội dung trên.

Không đồng ý với Công văn số 39/CV-TAH, ông Đức làm đơn khiếu kiện, yêu cầu thẩm phán Nguyễn Văn Tiến phải bồi thường thiệt hại hơn 400 triệu đồng do không được canh tác trên đất trong thời gian gần 4 năm (có xác nhận của UBND xã Long Mỹ: Từ ngày 28-3-2011 đến ngày 12-1-2015, ông Nguyễn Văn Đức không canh tác sản xuất trên các thửa đất 34, 35 và 86 thuộc tờ bản đồ số 14, xã Long Mỹ là đúng). “Công văn số 39/CV-TAH của TAND huyện Đất Đỏ đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế của gia đình tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu thẩm phán ký công văn này phải bồi thường thỏa đáng”, ông Đức bức xúc nói. 

Xét đơn khiếu kiện của ông Đức, TAND huyện Đất Đỏ đã ra Quyết định số 01/2015/QĐ-TA ngày 12-1-2015 thu hồi và hủy bỏ Công văn số 39/CV-TAH do vi phạm về hình thức, trình tự ban hành văn bản quy định tại Điều 99, 100 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004. Ngày 10-1-2018, TAND huyện Đất Đỏ ra thông báo trả lại đơn khởi kiện cho ông Đức do chưa đủ điều kiện khởi kiện. Tiếp đến, ngày 25-1-2018, TAND huyện Đất Đỏ có Quyết định số 01/2018/QĐ-GQKN trả lời đơn khiếu nại của ông Đức, nêu rõ ông Đức chưa đủ điều kiện khởi kiện thẩm phán Nguyễn Văn Tiến theo Điều 192, Bộ luật Tố tụng Dân sự. 

Sau đó, ông Đức tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến TAND tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại số 10/QĐ-GQKN ngày 16-3-2018 của TAND tỉnh nêu rõ: Không chấp nhận khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đức đối với Quyết định số 01/2018/QĐ-GQKN ngày 25-1-2018 của TAND huyện Đất Đỏ. Bởi, theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường phải đủ các điều kiện sau: Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của thẩm phán Nguyễn Văn Tiến là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường. Cụ thể, thẩm phán Nguyễn Văn Tiến phải có hành vi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái luật, nhưng Công văn số 39/CV-TAH không phải là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên không thuộc phạm vi yêu cầu bồi thường. Đồng thời, ông Đức phải chứng minh được thiệt hại thực tế do Công văn 39/CV-TAH gây ra.

Qua diễn biến vụ việc nêu trên, chúng tôi nhận thấy: Công văn số 39/CV-TAH tuy được TAND huyện Đất Đỏ giải thích là có vi phạm về hình thức, trình tự ban hành văn bản, nhưng về nội dung thì công văn này tương tự như việc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 100, Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (có hiệu lực tại thời điểm thẩm phán Nguyễn Văn Tiến ký Công văn số 39/CV-TAH). Hệ quả pháp lý của Công văn số 39/CV-TAH là ông Đức bị gián đoạn canh tác sản xuất trên khu đất tranh chấp gần 4 năm, có xác nhận của UBND xã Long Mỹ đã nêu trên. Tuy nhiên, muốn đòi bồi thường thiệt hại, ông Đức phải có đủ cơ sở chứng minh được thiệt hại thực tế do hệ quả pháp lý của Công văn 39/CV-TAH, từ đó có đơn yêu cầu TAND tỉnh xem xét lại vụ việc theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

;
.