Dạy "Đạo đức người lái xe" để cầm lái có trách nhiệm

Thứ Hai, 19/08/2019, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Thực tế cho thấy, những vụ tai nạn giao thông đường bộ thường có nguyên nhân chủ quan do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, lấn làn, lái xe ngay sau khi uống rượu, bia, sử dụng ma túy... Điều này xuất phát từ chính tay nghề, trách nhiệm và đạo đức của người điều khiển phương tiện. Vì vậy, các cơ quan chức năng, trung tâm đào tạo, dạy nghề lái xe cần chú trọng dạy và học tốt môn “Đạo đức người lái xe”.

Anh Võ Tấn Liêm (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) đang theo học lớp lái xe ô tô hạng B2 tại Trường Trung cấp nghề GT-VT tỉnh cho hay, trước kia, khi chưa học môn “Đạo đức người lái xe”, anh Liêm điều khiển xe máy tham gia giao thông còn chạy lấn làn, không bật đèn xin chuyển hướng khi qua đường, không chú ý nhường đường khi qua giao lộ… “Nay đã được học môn “Đạo đức người lái xe”, tôi nhận thức được trách nhiệm của người điều khiển phương tiện phải chấp hành tốt pháp luật, tuân thủ quy tắc giao thông để bảo đảm an toàn cho bản thân mình và những người cùng tham gia giao thông trên đường”.

Cùng với các môn thực hành, môn “Đạo đức người lái xe” phải được các cơ sở đào tạo lái xe giảng dạy đầy đủ.  Trong ảnh: Học viên tham gia sát hạch lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe tỉnh.
Cùng với các môn thực hành, môn “Đạo đức người lái xe” phải được các cơ sở đào tạo lái xe giảng dạy đầy đủ. Trong ảnh: Học viên tham gia sát hạch lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Khải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GT-VT tỉnh cho biết, môn “Đạo đức người lái xe” và “Văn hóa giao thông” nằm trong 5 môn học bắt buộc ở phần lý thuyết mà người học lái xe ô tô phải được dạy và học nghiêm túc theo chương trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết hợp với cập nhật thêm tình hình giao thông thực tiễn, để đưa ra các lời khuyên bổ ích giúp học viên sau khi tốt nghiệp, cầm lái điều khiển phương tiện phải xử lý đúng quy định. “Môn học này tôi trực tiếp đứng lớp, bắt buộc học viên phải tham gia đầy đủ 20 giờ học. Môn đạo đức rất quan trọng, người lái xe đã học đầy đủ môn học này sẽ có những điều chỉnh hành vi tốt khi tham gia giao thông”.

Ông Phạm Đoàn Đức Huy Cường, Giám đốc Chi nhánh Công ty Vận tải Phương Trang Vũng Tàu cho biết, khi tuyển lái xe vào làm việc cho công ty, ngoài  giấy phép lái xe, chứng chỉ nghề, kỹ năng lái xe, sức khỏe bảo đảm, lý lịch rõ ràng… Công ty rất quan tâm đến vấn đề đạo đức người lái xe khi tuyển dụng. Bởi, đây là yếu tố bảo đảm an toàn cho hành khách, đồng thời tạo nên thương hiệu của công ty qua thái độ hòa nhã, vui vẻ, giúp đỡ hành khách của lái xe. “Do đó, khi lái xe đã được tuyển dụng, công ty vẫn tiếp tục phải đào tạo thêm về quy tắc ứng xử với hành khách, lái xe an toàn. Nếu lái xe khi hành nghề vi phạm về đạo đức, ảnh hưởng đến uy tín của công ty thì sẽ bị đình chỉ lái xe trong một thời gian, hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc”, ông Cường khẳng định.

Các tiêu chí cơ bản về đạo đức của người lái xe tải, vận chuyển hành khách: Chấp hành tốt các quy định của pháp luật giao thông để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Có thái độ thân thiện, hợp tác sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Có mối quan hệ đúng mức, nghiêm túc với người thi hành công vụ. Tôn trọng người tham gia giao thông đường bộ, phải biết nhường nhịn, tôn trọng các xe khác trên đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, chèn ép xe máy. Khi gặp người bị nạn phải có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm với hành khách và khách hàng. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm xây dựng đối với doanh nghiệp. Tu dưỡng, rèn luyện bản thân, có lối sống lành mạnh, khiêm tốn, có văn hóa, có tác phong làm việc công nghiệp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội.

Theo ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GT-VT, nội dung môn học đạo đức người lái xe cần phải được các cơ sở đào tạo lái xe chú trọng giảng dạy đầy đủ, để đào tạo nên những người lái xe có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, các DN vận tải công cộng cũng cần có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn và kiểm tra thường kỳ về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp đối với người lái xe tải, lái xe vận chuyển hành khách thuộc đơn vị mình. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về giao thông cũng phải được thực thi nghiêm khắc để răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm của người lái xe. 

Bài, ảnh: THÀNH HUY

;
.