Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 17/10/2019, 21:52 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh đã triệt phá, đưa ra xét xử nhiều đối tượng tham gia các đường dây mua bán người (MBN). Qua các vụ án cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm MBN ngày càng tinh vi. Chúng sử dụng rất nhiều cách tiếp cận để đưa nạn nhân vào bẫy.

Các bị cáo (từ trái sang phải) Bùi Thị Thanh Thủy, Lê Thị Kiều Tiên và Wu Heng Long tại phiên tòa xét xử “Tội mua bán người” ngày 4/10/2019.
Các bị cáo (từ trái sang phải) Bùi Thị Thanh Thủy, Lê Thị Kiều Tiên và Wu Heng Long tại phiên tòa xét xử “Tội mua bán người” ngày 4/10/2019.

MỘT SỐ VỤ ĐIỂN HÌNH

Ngày 4/10 vừa qua, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử vụ án “Mua bán người”. Tại phiên tòa này, 3 bị cáo thực hiện hành vi MBN, gồm: Lê Thị Kiều Tiên (SN 1988, quê Bạc Liêu) đã bị HĐXX tuyên phạt 7 năm tù, Bùi Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại TP.Bà Rịa) 3 năm tù và Wu Heng Long (SN 1990, quốc tịch Trung Quốc) 2 năm tù về tội danh trên.

Theo cáo trạng, vào năm 2011, Tiên sang Trung Quốc lấy chồng. Năm 2013, Tiên trở về Việt Nam tìm kiếm những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn rồi dụ dỗ, móc nối đưa sang Trung Quốc gả bán. Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2016 đến ngày 7/3/2019, Tiên cùng các đồng phạm đã dụ dỗ 3 phụ nữ đưa sang Trung Quốc gả bán cho đàn ông nước này. Trong đó, Thủy đã giới thiệu chị D.T.T.T. (SN 1998, trú tại huyện Châu Đức) cho Tiên bán sang Trung Quốc để làm vợ Wu Heng Long với giá 190 triệu đồng. Sau đó, chị T. và Wu Heng Long có con trai, nhưng làm giấy khai sinh cho con tại Trung Quốc không được, vì chị T. và Wu Heng Long chưa có giấy đăng ký kết hôn.  

Tuyên truyền pháp luật phòng, chống MBN cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân của tội phạm MBN do Sở LĐ-TB-XH tổ chức ngày 31/6/2019 tại huyện Côn Đảo.
Tuyên truyền pháp luật phòng, chống MBN cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân của tội phạm MBN do Sở LĐ-TB-XH tổ chức ngày 31/6/2019 tại huyện Côn Đảo.

Tháng 2/2019, Wu Heng Long và chị T. trở về Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đồng thời, Wu Heng Long được một người bạn ở Trung Quốc nhờ tìm mua một người vợ Việt Nam, nên Wu Heng Long nhờ Tiên giới thiệu. Đến ngày 7/3/2019, Tiên giới thiệu và chuyển giao chị N.T.N.H. (SN 1995, quê An Giang) cho Wu Heng Long để đối tượng này gả bán cho người bạn Trung Quốc của mình làm vợ với số tiền hơn 120 triệu đồng, thì bị Công an tỉnh BR-VT phát hiện bắt quả tang.  

Một vụ khác nghiêm trọng hơn là nạn nhân dưới 16 tuổi bị lừa bán vào tụ điểm mại dâm của một quán karaoke ở Côn Đảo. Cụ thể, vào tháng 3/2019, thông qua các mối quan hệ xã hội và mạng xã hội, em N.T.N. (SN 2003, ngụ huyện Long Điền) có quen Trần Văn Hải (quê Bến Tre) và bị đối tượng này dụ dỗ ép quan hệ tình dục, sau đó lừa bán em N. cho một quán karaoke ở huyện Côn Đảo để hoạt động mại dâm. Đến ngày 28/6, em N. bỏ trốn khỏi quán karaoke và trình báo sự việc với lực lượng BĐBP tỉnh. Qua điều tra, xác minh, ngày 29/7, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ra quyết định bắt giữ khẩn cấp Trần Văn Hải về hành vi MBN. Sau đó, chuyển giao đối tượng và hồ sơ cho Công an tỉnh điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Ngày 29/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Thị Phương Nga (47 tuổi, quê Bến Tre) là chủ quán karaoke ở huyện Côn Đảo về hành vi MBN và ép em N. bán dâm.

NHẬN DIỆN TỘI PHẠM

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm MBN ngày càng tinh vi, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, sim rác, các trang mạng xã hội facebook, zalo… dùng hình ảnh giả để kết bạn, làm quen với nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, học sinh, sinh viên, người lao động phổ thông để tán tỉnh, giả vờ yêu đương hoặc hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao để lừa nạn nhân ra nước ngoài, chủ yếu qua các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore… bán làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, bị bóc lột sức lao động hay nô lệ tình dục.

Trong số các vụ án MBN trên địa bàn tỉnh, phương thức chủ yếu vẫn là các đối tượng thường về vùng nông thôn hẻo lánh tìm các cô gái gia cảnh khó khăn, nữ tiếp viên nhà hàng, quán cà phê, karaoke, chúng hứa hẹn xin việc làm nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao ở nước ngoài. Mọi chi phí, thủ tục đưa đi nước ngoài đều do đối tượng cầm đầu bỏ ra, nếu nạn nhân không chấp nhận bán mình, muốn trở về nước thì phải trả lại chi phí cao hơn nhiều lần số tiền ban đầu. Đa phần nạn nhân đều cam chịu và không biết cách trốn về Việt Nam; một số trốn được về nước, hoặc được giải cứu thì hầu hết đều bị tổn thương về thể chất, sang chấn về tâm lý. Một dạng nữa là một số nạn nhân bị bán ra nước ngoài lấy chồng, sau đó trở về Việt Nam đã tìm cách dụ dỗ phụ nữ khác bán đi nước ngoài, trở thành người tiếp tay hoặc cầm đầu đường dây MBN.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, HỖ TRỢ

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, các đối tượng tội phạm MBN lợi dụng nạn nhân hạn chế về kiến thức pháp luật, sống ở vùng nông thôn, ít được tiếp xúc thông tin, khó khăn về kinh tế, muốn có việc làm… nên nhẹ dạ, cả tin, dễ dàng bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đem bán cho đối tượng có nhu cầu. “Chính vì vậy, Sở LĐ-TB-XH chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng khó khăn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở”, ông Trần Quốc Khánh cho hay.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các vùng kinh tế khó khăn, hẻo lánh cần làm tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, giúp họ có thể tiếp cận thông tin từ các phương tiện truyền thông để tự bảo vệ mình. Ngoài ra, cần đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường về vấn đề tội phạm MBN, cung cấp cho các em HS phương thức, kỹ năng phòng ngừa nhằm giúp các em có ý thức “cơ chế phòng vệ” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đối với tội phạm MBN.

Từ năm 2013 đến tháng 6/2019, Sở LĐ-TB-XH đã tiếp nhận, hỗ trợ 37 nạn nhân tội phạm MBN trở về tái hòa nhập cộng đồng ở nơi cư ngụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó, 15 nạn nhân được lực lượng chức năng giải cứu, 22 nạn nhân tự trở về. Trong giai đoạn này, Sở LĐ-TB-XH phối hợp tổ chức 19 hội nghị, hội thảo về phòng, chống MBN/1.260 đại biểu tham dự; tổ chức 269 lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống MBN/hơn 100 ngàn lượt người tham gia; phát 150 ngàn tài liệu, tờ rơi, xây dựng 800m panô, băng rôn với nội dung phổ biến pháp luật về phòng, chống MBN.

Thực hiện Kế hoạch 2305/KHH-CAT-PC02 ngày 1/7/2019 về mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, ban, ngành liên quan trong phòng, chống tội phạm MBN; hỗ trợ nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả các mô hình hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng để người dân tham gia tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm MBN. Nhờ vậy, trong đợt cao điểm vừa qua, Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ với 3 bị can về hành vi MBN. “Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ để đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tội phạm MBN”, Đại tá Bùi Văn Thảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.