Lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới!

Thứ Năm, 19/03/2020, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn huyện Đất Đỏ đã xảy ra 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phần mềm công nghệ cao, các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng không mới, nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy, bị thiệt hại về tài sản.

Trường hợp có bạn bè nhắn tin qua mạng Zalo, Facebook để mượn tiền, yêu cầu chuyển khoản thì cần phải xác minh bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp mới chuyển tiền vào tài khoản (ảnh mang tính minh họa).
Trường hợp có bạn bè nhắn tin qua mạng Zalo, Facebook để mượn tiền, yêu cầu chuyển khoản thì cần phải xác minh bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp mới chuyển tiền vào tài khoản (ảnh mang tính minh họa).

Mới đây, chị L.T.V. (trú tại TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) đến cơ quan Công an trình báo: Ngày 29/2, các đối tượng hack tài khoản Facebook của chị V. sau đó nhắn tin tới tất cả bạn bè của chị trong danh sách Facebook với nội dung chị V. có việc gấp cần mượn tiền, nhưng nhờ mọi người gửi vào tài khoản của người khác, vì tài khoản của chị V. đang có vấn đề không gửi được. Tưởng chị V. cần tiền, một số bạn bè đã gửi vào số tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Một trường hợp khác, các đối tượng sử dụng điện thoại giả danh người thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước thông báo cho “con mồi” có liên quan đến vụ án, vụ việc đang điều tra, yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng theo sự chỉ dẫn của chúng rồi chiếm đoạt. Đơn cử như ngày 28/2, anh T.V.H. (trú tại TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) bị đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao giả số điện thoại cơ quan Công an (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình gần giống số của ngành Công an) xưng là cán bộ điều tra đe dọa, yêu cầu anh H. chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Công an để chiếm đoạt 69 triệu đồng.

Có trường hợp, đối tượng lừa đảo qua mạng Zalo, Facebook giả danh là người nước ngoài rồi làm quen, kết bạn, ngỏ ý gửi tặng quà, tặng tiền, vàng… để mua nhà tại Việt Nam, hợp tác làm ăn hoặc ngỏ ý giúp đỡ bạn bè. Điển hình như, thông qua mạng Facebook, chị L.T.T. (trú tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) làm quen với một đối tượng nam giả danh là người nước ngoài. Ngày 18/2, người này cho biết “để thắt chặt thêm tình cảm bạn bè, có thể tiến xa hơn…” nên sẽ chuyển quà và tiền về Việt Nam cho chị T. Tiếp đến, chúng cho người đóng giả là nhân viên hải quan, gọi điện thoại thông báo với chị T. thùng quà đang bị giữ tại sân bay, nên phải nộp thuế và lệ phí mới nhận được hàng. Tin lời, chị T. đã chuyển vào tài khoản do đối tượng hướng dẫn số tiền 108 triệu đồng.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng mạng viễn thông và công nghệ cao, mọi người cần thận trọng khi xử lý tình huống. Trường hợp có người thân, bạn bè sử dụng mạng Zalo, Facebook đề nghị vay, chuyển tiền thì phải xác minh bằng cách gọi điện thoại trực tiếp, hoặc gặp mặt trước khi chuyển khoản. Không nên tin tưởng, liên lạc, giao tiếp với các mối quan hệ không rõ ràng, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại… “Khi các cơ quan thực thi pháp luật làm việc với đương sự phải có giấy mời, giấy triệu tập, ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ thụ lý vụ việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc. Khi cần tạm giữ tài sản, tiền, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án thì phải có quyết định của người có thẩm quyền hoặc phải lập biên bản. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của các đối tượng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý”, Thượng tá Nguyễn Quyền, Phó Công an huyện Đất Đỏ khuyến cáo.

SƠN KHÊ

;
.