Vợ dàn cảnh bị bắt cóc để chồng đưa tiền trả nợ

Thứ Tư, 18/03/2020, 22:14 [GMT+7]
In bài này
.

Từ nguồn tin báo là một vụ bắt cóc phụ nữ và tống tiền, cơ quan Công an đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra. Theo đó, sự thật của vụ việc là chính “nạn nhân” đã tự dàn dựng nên một màn kịch bị “bắt cóc” để đánh lừa chồng, với mục đích yêu cầu đưa tiền trả nợ. Vụ việc này làm cho cơ quan Công an phải mất nhiều công sức, thời gian để xử lý.

Vào buổi sáng một ngày cuối tuần gần đây, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Vũng Tàu tiếp nhận thông tin về vụ “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” của anh N.M.K. (trú tại TP.Vũng Tàu). Theo trình báo của anh K., vào khoảng 19 giờ ngày hôm trước, vợ anh tên là P.T.T. đi làm từ 6 giờ sáng cùng ngày đến tối vẫn chưa thấy về. Sau nhiều lần liên lạc với vợ không được, anh K. nhận được tin nhắn từ số điện thoại của chị T, nội dung thông báo chị đã bị bắt cóc, yêu cầu anh K. không được báo cơ quan Công an và phải làm theo mọi yêu cầu của kẻ bắt cóc, nếu không làm theo, chị T. sẽ bị xâm hại.

Nhanh chóng tiến hành điều tra, các trinh sát hình sự phát hiện một số dấu hiệu bất thường. Theo lời anh K., cách đây 2 tuần, vợ anh xin được vào làm tại công ty X. trên địa bàn TP.Vũng Tàu, hàng ngày vẫn đi làm đều đặn. Tuy nhiên, khi các trinh sát đến công ty này để tìm hiểu thì được biết, chị T. có tới nộp đơn xin việc, nhưng chưa được giải quyết và người phụ nữ này chưa đi làm ngày nào. Ngoài ra, chi tiết đối tượng “bắt cóc” dùng chính điện thoại của chị T. để liên lạc với anh K. và chỉ yêu cầu số tiền chuộc là 40 triệu đồng, gửi trực tiếp vào tài khoản của chị T. đã tạo nghi vấn câu chuyện chị T. bị “bắt cóc” khó có thể là sự thật.

Từ những nghi vấn trên, các trinh sát đã khuyên anh K. và gia đình bình tĩnh, tìm cách tác động tâm lý, động viên để chị T. nói ra sự thật và trở về nhà. Tuy nhiên, gia đình anh K. một mực khẳng định chị T. đã bị bắt cóc và liên tục gây áp lực với cơ quan điều tra, yêu cầu nhanh chóng hành động “giải cứu” chị T.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố phải nhanh chóng làm rõ sự việc, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác định được địa điểm chị T. đang ở và nhanh chóng đến Đắk Lắk để gặp “nạn nhân”. Tại đây, các trinh sát yêu cầu chị T. cùng một người liên quan là L.V.V. đến cơ quan CSĐT Công an TP.Vũng Tàu làm việc. Qua làm việc cho thấy, đúng như nhận định của các trinh sát hình sự Công an TP.Vũng Tàu. Toàn bộ màn kịch bị bắt cóc của T. là do chính chị này tạo dựng, nhằm mục đích lấy tiền của chồng để thanh toán nợ nần cá nhân. 

Theo lời khai của chị T., sáng ngày diễn ra “kịch bản” bị bắt cóc, chị T. tiếp tục giả bộ đi làm như thường lệ. Tuy nhiên, chị T. điều khiển xe máy của chồng đến gửi ở Bến xe Vũng Tàu rồi đi xe khách lên Bến xe Miền Đông (TP.Hồ Chí Minh). Đến nơi, chị T. vào một quán cà phê ngồi uống nước. Khoảng 14 giờ chiều cùng ngày, chị T. đăng lên facebook là cần mượn 200 ngàn đồng để trả tiền và đã vay qua một tổ chức tín dụng online. Ít phút sau, chị T. nhận được tin nhắn của một người có tên là L.V.V., đồng ý giúp đỡ và chuyển khoản 200 ngàn đồng để chị T. trả nợ qua dịch vụ tín dụng điện tử “Momo”. Tới khoảng 17 giờ cùng ngày, V. liên lạc hỏi thăm, động viên chị T. về nhà, đồng thời chuyển thêm 300 ngàn để chị T. mua vé xe, nhưng do còn nhiều khoản nợ khác mà không có tiền trả, nên chị T. vẫn kiên quyết không về. 

Sau đó, V. gọi điện thoại bảo chị T. đón xe lên Đắk Lắk. Khi ra bến xe, chị T. nảy sinh ý định dựng màn kịch “bị bắt cóc”, với mục đích “tống tiền” chồng để thanh toán một số khoản nợ. Sau khi giả làm kẻ bắt cóc để nhắn tin cho chồng, chị T. lên Đắk Lắk gặp V. và kể lại “màn kịch” mà mình vừa dựng lên, đồng thời nhờ V. điện thoại cho anh K. đòi tiền “chuộc vợ”. Lúc đầu V. không đồng ý, nhưng do chị T. năn nỉ nhiều lần và sợ chị này sẽ tự tử nên V. đã gọi điện cho anh K., yêu cầu chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của chị T. 

Sau cuộc gọi trên, anh K. đã chuyển khoản cho vợ 10 triệu đồng. Nhận được tiền, chị T. lập tức trả nợ 9,3 triệu đồng qua internet banking. Đến tối cùng ngày, chị T. tiếp tục giả danh kẻ bắt cóc nhắn tin cho anh K., đe dọa sẽ hãm hại vợ anh nếu không gửi hết số tiền còn lại theo yêu cầu. Nhằm tạo áp lực đe dọa, chị T. còn dùng dao cứa chảy máu tay của mình rồi chụp hình gửi cho chồng!

Vụ “bắt cóc” trên sau khi được xác minh, điều tra làm rõ không có thật. Chị T. và người tên V. đều nhận thấy sự sai trái của mình, thành khẩn khai báo nên chỉ bị cơ quan Công an xử lý hành chính. Tuy vậy, vì sự bình yên, an toàn của người dân mà các trinh sát hình sự phải vất vả, tốn công sức chỉ để vạch trần “kịch bản” giả tạo của người phụ nữ này. 

VĂN LÂM

(Ghi theo lời kể của Trung tá 

Bùi Uy Phừng, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP. Vũng Tàu).

;
.