ĐIỀU KHIỂN XE GẮN MÁY DƯỚI 50 PHÂN KHỐI PHẢI CÓ GPLX

Trám "lỗ hổng" về kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cho HS

Chủ Nhật, 17/01/2021, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, sẽ quy định người đi xe đạp điện, xe gắn máy động cơ dưới 50 phân khối (50cm3) sẽ phải thi giấy phép lái xe. Báo BR-VT đã có cuộc khảo sát nhanh và ghi nhận đa số ý kiến đồng tình về quy định này.

Các phương tiện xe đạp điện, xe phân khối dưới 50cm3 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT (Ảnh minh họa).
Các phương tiện xe đạp điện, xe phân khối dưới 50cm3 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT (Ảnh minh họa).

Ghi nhận tại một số trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy dưới 50 cm3 khá phổ biến. Đa số các HS đều chấp hành khá tốt các quy định về ATGT. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy nhanh, vượt ẩu, chở số người quá quy định…, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trong năm 2020, các lực lượng CSGT tỉnh đã nhắc nhở hàng chục HS về các hành vi vi phạm nói trên.

Khi được hỏi về quy định người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 cm3 phải thi giấy phép lái xe, đa số đồng tình, vì cho rằng đó giải pháp hiệu quả để nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông, kỹ năng lái xe và ý thức tham gia giao thông của HS. Em Nguyễn Trung Quang (học sinh lớp 11, Trường THPT Bà Rịa, TP. Bà Rịa) cho biết: “Khi chạy xe trên đường, chúng em vẫn chưa hiểu hết các quy định về ATGT hay các biển báo, bảng hiệu nên chưa chấp hành đúng. Vì vậy, việc chúng em phải thi GPLX là cần thiết”.

Chung quan điểm, cô Nguyễn Hồng Vân (Giáo viên Trường THCS Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cho biết, dù là học sinh hay sinh viên, thì việc điều khiển xe đạp điện, xe máy cũng đều là tham gia giao thông. Tất cả mọi người tham gia giao thông cần phải có hiểu biết pháp luật cũng như kỹ năng. “Trên thực tế không ít HS do thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện, thiếu kiến thức pháp luật dẫn đến các hành vi gây mất an toàn, dẫn đến TNGT xảy ra”, cô Nguyễn Hồng Vân nói.

Theo luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), pháp luật hiện không cấm học sinh đi xe đạp điện, hay quy định độ tuổi tham gia, cũng như không yêu cầu người đi xe đạp điện phải qua đào tạo, sát hạch kỹ năng chạy xe. Hầu hết phụ huynh khi mua xe đạp điện cho con chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản, còn kiến thức về ATGT, xử lý tình huống thì ít nói tới. Chính những điều này đã tạo ra “lỗ hổng” trong kiến thức pháp luật giao thông và các kỹ năng điều khiển phương tiện của HS. “Những phương tiện này tuy tốc độ di chuyển không cao, nhưng hoàn toàn có thể gây ra tai nạn. Bởi vậy, việc đưa ra những quy định về điều kiện điều khiển 2 loại phương tiện này là cần thiết”, Luật sư Quang khẳng định. 

Tuy nhiên, theo Luật sư Thịnh Đình Quang, việc triển quy định cần có thời gian, lộ trình và chương trình phù hợp với lứa tuổi. Thời gian đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho nhóm đối tượng này cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. “Hiện Luật Giao thông đường bộ chưa quy định độ tuổi thấp nhất được điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, trong khi thực tế nhiều học sinh ở độ tuổi từ 11 trở lên đã sử dụng phương tiện này. Các chương trình, nội dung đào tạo sát hạch lái xe vì thế cần phải thiết kế phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, nếu được đưa vào luật như xe cơ giới, thì xe đạp điện sẽ phải tính đến giới hạn độ tuổi người được điều khiển và các quy định kèm theo như xe máy hiện nay”, Luật sư Thịnh Đình Quang bày tỏ.

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.