"Xóa nghèo pháp luật" cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 07/02/2021, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

Để nâng cao kiến thức và nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với hình thức phong phú, nội dung đa dạng. 

VKSND huyện Châu Đức phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tuyên truyền pháp luật  cho người dân tại thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).
VKSND huyện Châu Đức phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tuyên truyền pháp luật cho người dân tại thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).

LÃNH ÁN VÌ THIẾU HIỂU BIẾT

Huyện Châu Đức có 2.222 hộ đồng bào DTTS với gần 9.500 nhân khẩu đang sinh sống. Trong đó, phần lớn là dân tộc Châu Ro, Tày, Nùng... Những năm qua, kiến thức pháp luật của đồng bào còn hạn chế, nên vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.  

Đến huyện Châu Đức, chúng tôi được nghe những chuyện “cười ra nước mắt” trong các vụ án mà nếu như có hiểu biết pháp luật, đương sự đã không dám vi phạm như: trộm trái cây, trộm gà, trộm chó, tham gia vào một vụ đánh nhau mà đôi khi chỉ “để cho vui”. Đơn cử như trường hợp anh Đ.V.S. (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh), người dân tộc Châu Ro. Do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên S. đã hùa theo nhóm bạn tham gia vào một vụ đánh người gây thương tích trên địa bàn. Hậu quả, H. vướng vòng lao lý. “Thấy các bạn rủ đi đánh người nên tôi đi theo. Tôi không biết người bị đánh là ai, vì sao bị đánh và cũng không nghĩ đến hậu quả là đánh người gây thương tích sẽ phải trả giá trước pháp luật”, S. khai tại phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND huyện Châu Đức.

Trong khi đó, V.M.Th. (xã Bình Ba) thì vào rẫy nhà người khác để trộm mấy trái sầu riêng, tổng trị giá vài trăm ngàn đồng. Cái giá phải trả là Th. bị xử phạt 5 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. 

Ông Đào Trọng Hải, Chánh án TAND huyện Châu Đức cho biết, do hạn chế về nhận thức, hiểu biết pháp luật nên tình trạng người dân nông thôn, người DTTS vi phạm pháp luật khá phổ biến. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: trộm cắp, bạo hành gia đình, đánh nhau… Có những người - theo cách gọi của tòa án - là đương sự “3 không” (không nhận giấy triệu tập, không đến tòa, không cần bản án). Họ suy nghĩ rất đơn giản, không đồng ý với việc xét xử, khởi kiện của ai đó, thì không hợp tác với cơ quan pháp luật. Không nhận bản án, không nhận kết quả xét xử thì coi như không có liên quan đến mình. “Nhiều trường hợp sau đó, khi bản án đã có hiệu lực, ngay cả quyền kháng cáo cũng hết”, ông Hải thông tin thêm.

Ông Đào Văn Giả (bìa trái, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), người có uy tín trong cộng đồng người DTTS tuyên truyền các chính sách, pháp luật  cho người DTTS.
Ông Đào Văn Giả (bìa trái, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), người có uy tín trong cộng đồng người DTTS tuyên truyền các chính sách, pháp luật cho người DTTS.

PHONG PHÚ HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Ðể góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân. Nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL thường xuyên đổi mới, đa dạng với các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chính sách, pháp luật theo hướng đơn giản hóa cho đồng bào dễ tiếp thu; tổ chức các hình thức sân khấu hóa liên quan đến pháp luật hoặc lồng ghép với các chương trình văn hóa văn nghệ phù hợp phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS.…

Cùng với đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp, các đồn biên phòng, lực lượng công an và đoàn thể tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện, tuyên truyền, PBGDPL lưu động tại các trường học, thôn, ấp cho người DTTS. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ trưởng ấp, người có uy tín nhằm giúp họ nâng cao kiến thức pháp luật, từ đó tuyên truyền cho đông đảo người dân trong thôn, ấp. “Những năm qua, đội ngũ tư vấn viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đến người dân, nhất là đồng bào vùng khó khăn, vùng xa”, bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho hay.

Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện 24 lớp tuyên truyền, PBGDPL cho 24.000 lượt người DTTS. Nội dung tuyên truyền gần gũi với thực tế đời sống của người dân tộc như: nạn tảo hôn, hôn nhân gia đình, bảo vệ trẻ em, chính sách phát triển kinh tế… Theo bà Hoàng Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Chính sách - Ban Dân tộc tỉnh, còn nhiều quy định của pháp luật mà người dân chưa nắm rõ. Do vậy, công tác tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng này giúp bà con nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời xây dựng lối sống văn minh, loại bỏ những tập tục lạc hậu.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 9.000 hộ đồng bào DTTS với gần 26.000 nhân khẩu (chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh), thuộc 28 thành phần DTTS như: Hoa, Tày, Thái, Mường, Khơ me, Nùng, Dao, Ê đê, Sán chay, Chăm, Cơ ho, Sán Dìu, Hrê, Ra Glai, Mnông, Thổ, Xtiêng, Bru-Vân Kiều, Cơ tu, Châu Ro…  Trong đó, dân tộc Hoa có số lượng đông nhất với hơn 10.000 người; dân tộc Châu Ro gần 8.500 người. Các dân tộc chủ yếu di cư từ các vùng miền khác đến định cư, sinh sống xen kẽ với người Kinh và tập trung chủ yếu ở các huyện: Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ, TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu.

Bà Dương Thị Liên (người dân tộc Châu Ro, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) chia sẻ, tham gia các buổi tuyên truyền, PBGDPL, bà đã có thêm nhiều kiến thức mà trước đây chưa rõ như: Luật Thừa kế, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em… “Nhờ tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật, tôi hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em của gia đình, của những người làm cha, làm mẹ. Có hiểu biết pháp luật thì mới chấp hành đúng pháp luật”, bà Dương Thị Liên bày tỏ.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp còn tổ chức xét xử lưu động các vụ án tại nơi có người phạm tội ở vùng xa, qua đó gián tiếp tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân nói chung, trong đồng bào DTTS nói riêng.  

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.