Chủ động phòng ngừa cháy nổ

Thứ Hai, 15/03/2021, 18:30 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ cháy. Dù không gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản nhưng các vụ cháy này là hồi chuông cảnh báo người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác PCCC, nhất là thời điểm này, tỉnh BR-VT đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng.  

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân TP. Vũng Tàu sử dụng bình cứu hỏa tại chỗ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân TP. Vũng Tàu sử dụng bình cứu hỏa tại chỗ.

NGUY CƠ RÌNH RẬP 

Theo nhận định của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07)-Công an tỉnh, nguy cơ cháy, nổ chủ yếu tập trung tại các hộ gia đình, trên địa bàn khu dân cư do liên quan đến sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện với tần suất liên tục (thắp nhang, đốt vàng mã, nấu nướng); đốt cỏ, rác sau khi dọn dẹp, phát quang các khu đất trống. Còn ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, nguy cơ cháy thường do bất cẩn trong sử dụng nguồn điện. Đặc biệt, những cơ sở sản xuất mặt hàng dễ cháy như: gỗ, vải nhưng không chú ý bảo quản chất dung môi, vệ sinh công nghiệp cũng dễ xảy ra hỏa hoạn do vật liệu dễ bắt lửa. 

Đơn cử, khoảng 6 giờ ngày 12/2, chị Lê Thị Hồng Loan (SN 1990), ở ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc phát hiện khói lửa phát ra từ xưởng gỗ của gia đình tại địa chỉ trên nên hô hoán mọi người đến hỗ trợ chữa cháy. Tuy nhiên, do xưởng gỗ chứa nhiều vật liệu dễ cháy như: gỗ khô, mùn cưa… nên ngọn lửa đã thiêu rụi 5m3 gỗ các loại.  

Lực lượng PC07 chữa cháy vụ cháy do người dân đốt rác tại phường Long Toàn, TP.Bà Rịa.
Lực lượng PC07 chữa cháy vụ cháy do người dân đốt rác tại phường Long Toàn, TP.Bà Rịa.

Tương tự, khoảng 10 giờ 45 phút ngày 2/3, ông Hoàng Văn Oai (SN 1973, trú tại TP. Bà Rịa) trong khi dọn dẹp địa điểm thu mua ve chai tại tổ 1 (khu phố 4, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) để trả mặt bằng đã đốt bao nilon và rác. Trong quá trình đốt, ông Oai để ngọn lửa cháy lan ra xung quanh. Thời tiết khô hanh, kèm theo gió lớn khiến đám cháy lan nhanh, khói đen bốc nghi ngút và khó kiểm soát. 

Nhận thấy đám cháy có thể gây nguy hiểm cho khu dân cư, người dân đã gọi đến tổng đài 114 nhờ hỗ trợ dập lửa. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều 1 xe chữa cháy cùng 6 chiến sĩ đến hiện trường phối hợp cùng các lực lượng dân phòng, Công an phường Long Toàn xử lý đám cháy. Sau hơn 30 phút, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, không gây thiệt hại về người. Công an phường Long Toàn đã lập biên bản để xử lý hành vi tự đốt rác theo quy định của pháp luật.

Điều 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” nêu rõ: Hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến trên 50 triệu đồng, tùy theo mức độ thiệt hại sẽ bị xử phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng. 
Người để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại tài sản của cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về người, tài sản giá trị lớn…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015.

 

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM PCCC 

Thượng tá Bùi Văn Toản, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết, vào mùa khô, cháy nổ diễn ra rất phức tạp và khó lường. Các đám cháy cỏ, rác, vườn cây xảy ra trong thời gian gần đây phần lớn do lỗi chủ quan của con người như bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt, vứt tàn thuốc lá bữa bãi; gom rác, lá, cỏ khô để đốt nhưng không giám sát. Ban đầu, ngọn lửa nhỏ, nhưng gặp thời tiết nắng nóng, gió lớn, có vật liệu làm mồi dẫn sẽ khiến ngọn lửa nhanh chóng bùng phát, khó kiểm soát. Trên thực tế, hầu hết các đám cháy chỉ được phát hiện và báo tin cho lực lượng Cảnh sát PCCC ứng cứu khi đã bùng phát lớn nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Do đó, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC đóng vai trò rất quan trọng. 

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, Phòng PC07 đã tham mưu các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác PCCC. Trong đó, tập trung cao điểm tuyên truyền cho người dân, chủ hộ kinh doanh thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC; quản lý, sử dụng tốt các thiết bị nhiệt để không xảy ra cháy nổ; tiếp tục nâng cao trách nhiệm của đội chữa cháy dân phòng, lực lượng chữa cháy tại chỗ để khống chế kịp thời đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về tài sản và con người. 

“Theo quy hoạch về PCCC, đến năm 2025, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 100 trụ nước chữa cháy. Bên cạnh đó, trong tổng số hơn 1.460 trụ nước chữa cháy đã được lắp đặt ở các khu dân cư, khu công nghiệp và ở các tuyến đường trong nội ô có gần 70 trụ không thể lấy nước, 28 trụ bị hư hại, mất nắp đậy. Để bảo đảm nguồn nước chữa cháy trong mùa khô này, Phòng PC07 đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố có phương án tích nước cụ thể, không để bị động, thiếu nước khi chữa cháy”, Thượng tá Bùi Văn Toản thông tin thêm.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng cháy và chữa cháy
Về trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy: Điều 33 Luật PCCC quy định người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy. Lực lượng PCCC khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng PCCC nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình. Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.
Các hành vi bị nghiêm cấm: Điều 13, Luật PCCC quy định các hành vi sau bị nghiêm cấm gồm: Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Cản trở các hoạt động PCCC; chống người thi hành nhiệm vụ PCCC. Lợi dụng hoạt động PCCC để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Báo cháy giả. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các tiêu chuẩn về PCCC đã được nhà nước quy định. Thi công những công trình có nguy hiểm về cháy, nổ mà chưa có thiết kế được duyệt về PCCC; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC. Làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị PCCC, biển báo, biển chỉ dẫn và lối thoát nạn.
(Nguồn: Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi bổ sung 2013)
Diễn tập PCCC tại chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức vào cuối năm 2020.
Diễn tập PCCC tại chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức vào cuối năm 2020.

 

;
.